Những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả ở vùng dân tộc thiểu số
Thứ năm, 10:21, 26/10/2023 Phương Cúc/VOV4 tổng hợp Phương Cúc/VOV4 tổng hợp
VOV4.VOV.VN - Từ phong trào thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, những năm qua tại nhiều địa phương miền núi đã xuất hiện các mô hình phát triển kinh tế mà nhiều mô hình nghe tên thôi, đã thấy độc và lạ, nhưng hiệu quả khá cao.

 

Nuôi cua biển trên núi

Mô hình độc đáo này là của anh Lương Anh Thiện người dân tộc Thái (29 tuổi, trú tại thị trấn Thường Xuân, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa).

Chưa từng được học tập, đào tạo các kiến thức về chăn nuôi, bước đầu anh Thiện đi học hỏi các mô hình nuôi cua trong hộp nhựa, kết hợp học kỹ thuật nuôi cua trên mạng. Theo anh Thiện, việc nuôi cua biển ở địa bàn huyện miền núi như quê anh là rất khó khăn. Đặc biệt là khâu chuẩn bị nước biển.

"Ban đầu khi nghe nói tôi nuôi cua biển ngay trên núi, ai cũng bất ngờ, đặc biệt là bố mẹ tôi. Để có thể nuôi cua, tôi phải xuống tận thành phố Sầm Sơn, cách nhà khoảng 80km để lấy nước biển", anh Thiện chia sẻ.

Nước biển sau khi đưa về sẽ được xử lý độ mặn phù hợp. Tuy nhiên, để đảm bảo lượng nước xuyên suốt quá trình nuôi, anh cho lắp đặt hệ thống bể lọc nước theo nguyên lý tuần hoàn dưỡng khí và tạo oxy. Lứa đầu tiên, anh Thiện nuôi thử nghiệm 100 con cua và thành công, lợi nhuận hơn 10 triệu đồng. Đến nay, cơ sở của anh đang nuôi trung bình khoảng hơn 1.000 con/vụ, gồm cua thịt và cua lột. Hàng tháng, anh Thiện xuất bán ra thị trường hơn 300kg cua thịt với giá 350.000-450.000 đồng/kg và 30kg cua lột với giá trên 800.000 đồng/kg. Trừ hết chi phí, anh thu nhập 30-50 triệu đồng. Ngoài đem lại giá trị kinh tế cao, mô hình nuôi cua trong hộp nhựa của anh Thiện còn giải quyết việc làm cho 2 lao động thường xuyên ở địa phương, với mức lương 5 triệu đồng/tháng.  

U80 xác định nuôi ong cho vui, không ngờ tạo nên cả cơ nghiệp

Nhắc đến ông Trần Mạnh Thừa - Giám đốc HTX nuôi ong Phúc Thuận, ở xã Phúc Thuận, TX.Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên không ai là không biết. Thế nhưng, có lẽ ít người biết rằng, ban đầu nuôi ong vốn chỉ là thú vui tuổi già của ông, khi ông đã ngoài 80 tuổi.

"Ban đầu nuôi ong chỉ là thú vui tuổi già của tôi. Sau này, tôi nghĩ đến việc phát triển mô hình để các cựu chiến binh cùng tham gia hỗ trợ, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, bởi vậy năm 2004, tôi thành lập HTX nuôi ong Phúc Thuận," cụ Thừa cho biết.

Theo ông Thừa, hiện nay HTX nuôi ong Phúc Thuận có tất cả 10 thành viên, trong đó có 2 thành viên đã mang ong vào trong Nam, còn lại 8 thành viên ở địa phương. Trong số 8 thành viên, có tới 6 thành viên là cựu chiến binh ở độ tuổi từ 60 – 80 tuổi. 

Với cụ, chỉ cần nghe tiếng đàn ong vỗ cánh cũng có thể biết được thùng ong yếu hay khỏe. Vào mùa đông, khi thời tiết lạnh giá hoặc thiếu thức ăn, nếu không chăm sóc cẩn thận, ong rất dễ bị bệnh như thối ấu trùng, tiêu chảy… Do đó muốn giữ cho đàn ong luôn khỏe mạnh, phải chú ý cho ong ăn đầy đủ vào mùa đông, nguồn thức ăn cho ong phải đảm bảo và nấu đúng cách. Đặc biệt, kinh nghiệm cho những người mới nuôi ong cần lưu ý, sau khoảng thời gian 6 tháng thu hoạch mật, người nuôi ong cần giữ lại một lượng mật nhất định để làm nguồn dự trữ thức ăn cho đàn ong qua mùa đông. Hiện nay, HTX nuôi ong Phúc Thuận có 3 loại mật ong chính gồm mật hoa nhãn, mật hoa vải và mật hoa keo. Mật hoa nhãn và hoa vải là loại ngon nhất, có giá dao động từ 170.000 – 180.000 đồng/lít, mật keo có giá khoảng 150.000 – 160.000 đồng/lít. Tổng thu từ việc nuôi ong của gia đình ông là 150 triệu đồng. Sau khi trừ hết chi phí, cụ lãi khoảng 80 triệu đồng từ việc nuôi ong.

Đổi đời từ nuôi lợn rừng

Trong một vài lần đến chơi nhà bạn ở huyện Buôn Đôn, thấy người dân ở đây bán lợn rừng còn sống, anh Phạm Văn Khanh (SN 1998, xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) mua thử vài con về thả trong vườn để nuôi, thuần hóa dần.

Theo anh Khanh, lợn rừng ngày càng ít đi, do đó anh muốn bảo tồn và nuôi dưỡng. Lợn rừng dễ nuôi, không kén ăn, sức đề kháng cao, ít bệnh tật lại được thị trường ưa chuộng, giá thành cao. 

“Tôi lấy số tiền tích góp của bản thân, mua được chục con lợn rừng giống của người dân về thuần dưỡng. Sau đó, thả thêm lợn bản địa để lai tạo đàn. Hai năm đầu do chưa có kinh nghiệm nên toàn bị lỗ. Lợn rừng có bản tính hoang dã, quen với môi trường sống tự nhiên, khi nuôi nhốt, nhiều con chưa thích nghi đã bỏ ăn”, anh Khanh cho biết.

Theo anh Khanh, lợn rừng nuôi khoảng 1 năm rưỡi bắt đầu cho sinh sản, mỗi năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 6 đến 8 con. Tùy theo nhu cầu của người mua, anh sẽ bán thương phẩm, bán giống lợn rừng thuần chủng hay lợn rừng lai. Giống lợn rừng thuần chủng nuôi từ 2,5 đến 3 tháng có trọng lượng đạt từ 6 đến 10kg, với giá bán khoảng 5 triệu đồng/con; lợn rừng lai giá bán giao động từ 1-2 triệu đồng/con. Hiện đàn lợn của gia đình anh khoảng 200 con. Anh Khanh đã chuyển qua nuôi lợn rừng thuần chủng theo tiêu chuẩn VietGap. Bắt đầu từ năm thứ 3 đến nay, lợn sinh sản ổn định. Hiện lợi nhuận anh Khanh thu về khoảng 300 triệu đồng/năm.  Thời gian tới, anh dự định mở rộng quy mô chăn nuôi, đầu tư xây dựng chuồng trại, thành lập hợp tác xã.

Phương Cúc/VOV4 tổng hợp

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC