Nỗi niềm giáo viên hợp đồng ở vùng sâu Đắk Nông
Thứ sáu, 09:51, 20/09/2024 Công Bắc/VOV Tây Nguyên Công Bắc/VOV Tây Nguyên
VOV4.VOV.VN: Thiếu biên chế giáo viên triền miên đang là vấn đề nan giải đối với công tác dạy và học tại tỉnh Đắk Nông. Để tạm thời khắc phục, tỉnh đang triển khai hợp đồng giáo viên theo quy định tại Nghị định 111 năm 2022 của Chính phủ. Nhưng việc thực hiện hợp đồng giáo viên lại đang cho thấy một số bất cập. Thu nhập chưa đủ sống, nhiều giáo viên hợp đồng chưa yên tâm công tác.

 

Tốt nghiệp Sư phạm Hoá, Trường Đại học Sài Gòn, cô giáo Trịnh Thị Thanh Thuỳ (25 tuổi), nhà ở thành phố Gia Nghĩa về công tác tại Trường THCS và THPT Lê Hữu Trác, xã vùng 3 Đắk Ngo, huyện biên giới Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. Hơn 1 năm qua cô Thuỳ dạy học theo diện hợp đồng lao động quy định tại Nghị định 111 năm 2022 của Chính phủ. Trường vùng sâu, gần 100% học sinh người dân tộc thiểu số, điều kiện cơ sở vật chất trường lớp thiếu thốn. Trong khi đó, mức lương chỉ hơn 6 triệu đồng/tháng và thời gian hợp đồng chỉ 9 tháng trong năm học chưa đáp ứng được cuộc sống cho cô giáo trẻ.

“Hiện tại thì chỉ ký hợp đồng 9 tháng tức là trong năm học thôi. Thực ra cũng khó, tại vì nhà ở Gia Nghĩa xuống thì hơn 50km, quãng đường xa, mức thu nhập chưa đáp ứng được mong muốn của chúng tôi. Tôi cũng mong muốn là có thêm hỗ trợ một vài chính sách như xăng xe chẳng hạn và cũng mong là có thêm giáo viên về, tại vì trường em đang thiếu giáo viên hơi nhiều.”, cô giáo Trịnh Thị Thanh Thuỳ cho biết.

Sau 4 năm dạy học ở thành phố Hồ Chí Minh, cô giáo Nguyễn Thị Dung chuyển về dạy học tại Trường Trung học cơ sở Quảng Hoà, xã Quảng Hoà, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông từ đầu năm học này. Sinh ra và lớn lên ở Quảng Hoà, cô giáo trẻ mong muốn về quê giúp các em nhỏ ở xã đặc biệt khó khăn. Do chưa có chỉ tiêu biên chế, cô Dung cũng đang dạy học theo diện hợp đồng ngắn hạn quy định tại Nghị định 111 năm 2022 của Chính phủ, mức lương hơn 6 triệu đồng và thời gian hợp đồng 9 tháng. Yêu nghề, chọn gắn bó với vùng sâu, cô Dung mong muốn Nhà nước có những điều chỉnh phù hợp hơn đối với giáo viên hợp đồng và quan tâm đầu tư hơn cho ngành giáo dục vùng sâu.

“Ở vùng 3 như thế này thì chắc chắn giáo viên gặp nhiều khó khăn trong công tác của mình. Khi mình về đây, ở vùng đất mình sinh ra thì có nhiệt huyết, yêu quê hương thì nghĩ mình sẽ làm được. Mình mong chính quyền quan tâm nhiều hơn đối với tình hình giáo dục địa phương, tại vì ở đây còn rất khó khăn. Đối với bản thân thì mình cũng mong muốn khoảng thời gian hợp đồng kéo dài hơn, khoảng 12 tháng, kinh tế ổn định thì giáo viên sẽ yên tâm công tác hơn”, cô giáo Nguyễn Thị Dung chia sẻ.

Điều bất cập là về dạy học ở những vùng đặc biệt khó khăn, các giáo viên hợp đồng không được hưởng các chế độ ưu đãi. Điều này tạo ra sự chênh lệch rất lớn về thu nhập giữa giáo viên hợp đồng và giáo viên biên chế dù cùng dạy tại một trường. Ông Nguyễn Thế Hiệt, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Lê Hữu Trác (xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) phân tích: trường thuộc xã vùng 3 nên giáo viên biên chế hiện nay được hưởng phụ cấp 70%, thu hút ban đầu 10 tháng lương cơ bản, cùng chế độ thu hút thêm với mức 70% thực hiện trong 5 năm đầu. Thực tế, những giáo viên biên chế ở trường có mức lương trên dưới 20 triệu đồng/tháng, trong khi giáo viên hợp đồng chỉ hơn 6 triệu đồng mà chỉ có trong 9 tháng. Theo ông Nguyễn Thế Hiệt, thu hút được giáo viên về xã vùng 3 đã khó, giữ chân giáo viên càng khó hơn. Do đó, Nhà nước cần có những điều chỉnh cho phù hợp.

“Nhà trường thiếu 8 giáo viên và đã hợp đồng theo Nghị định 111 được 5 giáo viên. Các thầy cô đều muốn cống hiến, gắn bó lâu dài với nhà trường. Về lâu dài thì mong cấp thêm cho nhà trường về biên chế, để cho những giáo viên hợp đồng có thể thi, trúng tuyến để gắn bó lâu dài với nhà trường.”, ông Nguyễn Thế Hiệt cho biết thêm.

Năm học này toàn tỉnh Đắk Nông thiếu gần 1.600 giáo viên. Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông cho biết, tình trạng thiếu giáo viên đã ảnh hưởng rất lớn đến việc dạy và học, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Để giải quyết tạm thời, tỉnh đã giao cho ngành 622 chỉ tiêu hợp đồng theo Nghị định 111 năm 2022 của Chính phủ. Số chỉ tiêu hợp đồng này góp phần quan trọng giải quyết một phần tình trạng thiếu giáo viên của địa phương.

Tuy nhiên, hiện nay, thu nhập khá thấp và thời gian hợp đồng ngắn (9 tháng) chưa đảm bảo được cuộc sống cho giáo viên hợp đồng. Do đó, dù có chỉ tiêu hợp đồng cũng khó thu hút được giáo viên, nhất là một số bộ môn như tin học, tiếng anh, và ở những vùng đặc biệt khó khăn.

Về dạy học ở vùng sâu, vùng xa là lựa chọn khó khăn nhưng với tình yêu nghề, nhiều thầy cô giáo vẫn đang dấn thân, cống hiến sức trẻ cho sự nghiệp giáo dục Đắk Nông. Trong khi Trung ương chưa sắp xếp, bố trí được đầy đủ chỉ tiêu biên chế, chính quyền, ngành chức năng địa phương cần sớm xem xét để có những chính sách phù hợp, giúp các thầy cô giáo yên tâm công tác./.

Công Bắc/VOV Tây Nguyên

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC