Nóng bỏng tình trạng buôn bán người ở Lai Châu
Thứ sáu, 00:00, 29/07/2016

(VOV) - Nhiều phụ nữ và trẻ em ở các bản làng vùng sâu, vùng xa của tỉnh Lai Châu đã trở thành “món hàng” hời cho bọn tội phạm mua bán người. Có người trốn thoát, có người được cơ quan chức năng giải cứu, nhưng đó chỉ là số ít những người may mắn.

 

Đường vào bản Hợp 1, xã Dào San, huyện biên giới Phong Thổ, mát dịu hơn khi những thửa ruộng bậc thang xanh màu mạ mới. Những ngôi nhà bên sườn núi với khói lam chiều. Nhưng đằng sau vẻ yên ả ấy là những câu chuyện buồn, nỗi đau xé lòng của những gia đình có con bị lừa bán sang Trung Quốc. Có người đến nay vẫn bặt vô âm tín, chưa biết ngày về, có người trở về nhưng hàng ngày vẫn sống trong nỗi sợ hãi, như trường hợp của em Lừu Thị Dơ, sinh năm 1999.

 

Em Dơ kể vào một buổi chiều cách đây 2 năm, khi em đang học ở trường thì có một thanh niên lạ mặt gọi điện làm quen. Vì người Mông thường lấy chồng sớm, khi có bạn trai làm quen nên em nghĩ là chuyện bình thường: "Hôm đó em đang ngồi học bài thì 3 người đến dụ dỗ đi chơi. Em nghĩ chỉ là đi chơi bình thường như những lần trước nên đi theo, rồi chúng đưa lên Mù Sang rồi sang Trung Quốc giao cho một người phụ nữ lạ mặt. Khi biết mình bị lừa bán thì em trốn khỏi nơi giam giữ rồi gặp chị dâu đang mua hàng bên đó. Được chị đưa về gặp bố mẹ em rất mừng. Bố mẹ sợ em bị bắt nữa nên không cho đi học, ở nhà lấy chồng, cùng chồng làm kinh tế thôi".

 

 

Cán bộ biên phòng đến bản tuyên truyền về tội phạm buôn người. Ảnh:VOV-Tây Bắc

 

Trở về địa phương trong sự sợ hãi, sau thời gian trấn tĩnh lại, Dơ được gia đình, người thân và chính quyền xã vận động tố giác kẻ xấu. Em quyết định làm đơn tố cáo 3 đối tượng lừa bán mình sang Trung Quốc. Sau thời gian dài điều tra, ngày 12/7 vừa qua, Công an huyện Phong Thổ đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt 3 đối tượng này. Tại cơ quan điều tra, đối tượng Giàng A Minh – kẻ chủ mưu trong vụ lừa Dơ bán sang Trung Quốc đã khai báo là do thiếu tiền ăn chơi, được người quen bên kia biên giới chỉ cách kiếm tiền nhiều và dễ, nên làm theo.

 

Phong Thổ là huyện biên giới của tỉnh Lai Châu, có đường biên giới dài, là điểm nóng về tình trạng buôn bán người, khi có hàng trăm lối mòn do bà con các dân tộc địa phương tự mở. Với chiêu trò làm quen, giới thiệu việc làm thu nhập cao hoặc rủ đi chơi, hàng chục phụ nữ và trẻ em đã bị lừa đưa sang Trung Quốc bằng đường mòn. Theo cơ quan chức năng địa phương, chỉ có những vụ việc nào được trình báo sớm thì các nạn nhân mới có cơ may trở về.

 

 

Tuyên truyền pháp luật cho bà con dân tộc thiểu số. Ảnh: VOV-Tây Bắc

 

Thiếu tá Nguyễn Văn Sự, Phó trưởng Công an huyện Phong Thổ, cho biết: “Qua điều tra các vụ mua bán người ở trên địa bàn thì chúng tôi thấy các đối tượng phạm tội thì có từ 2 -3 đối tượng trở lên. Bằng các thủ đoạn làm quen, tán tỉnh yêu đương, cung cấp vật chất như là thẻ điện thoại, điện thoại, rồi các vật chất khác cho người bị hại để tạo lòng tin, sau khi chiếm được lòng tin của người bị hại thì các đối tượng này rủ người bị hại đến khu vực biên giới, rồi sang bên kia biên giới. Sau đó các đối tượng bán các bị hại cho người Trung Quốc lấy tiền tiêu xài”.


Từ năm 2013 đến nay, lực lượng Công an tỉnh Lai Châu đã điều tra làm rõ 49 vụ, 90 đối tượng phạm tội, 86 nạn nhân bị mua bán, giải cứu và tiếp nhận hơn 60 nạn nhân trở về. Các nạn nhân bị mua bán sang Trung Quốc đều ở độ tuổi dưới 30, chủ yếu bị lừa sang Trung Quốc làm gái mại dâm tại các nhà nghỉ, khách sạn và làm vợ người Trung Quốc, với giá từ 10 triệu đến 180 triệu đồng/người.

 

Đại tá Bùi Xuân Phong, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu, cho biết: "Tình trạng buôn bán người gần đây không chỉ xuất hiện ở vùng sâu, vùng xa, biên giới mà đã thâm nhập vào các huyện nội địa trong tỉnh. Nguyên nhân chính vẫn là trình độ nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Thời gian tới, cơ quan chức năng địa phương sẽ tập trung tuyên truyền, phát huy tối đa vai trò của gia đình, nhà trường và chính quyền sở tại để ngăn chặn. Chúng tôi sẽ phối hợp với lực lượng biên phòng, các ngành chức năng thực hiện tốt công tác phòng chống mua bán người trên tuyến biên giới, tổ chức quản lý tốt xuất nhập cảnh để phòng ngừa các đối tượng lợi dụng để đưa các nạn nhân qua biên giới; tăng cường công tác nắm tình hình, thực hiện tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, điều tra, xử lý các đường dây đối tượng phía Trung Quốc".

 

 

 

 

Khắc Kiên/VOV-Tây Bắc 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC