VOV4.VN - Trong dáng vẻ tảo tần, vất vả của nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số ở miền núi, nghị lực sống, niềm yêu đời toát ra một cách tự nhiên, hồn hậu. Họ tạo dựng cuộc sống, chăm chút cuộc sống, chịu đựng cuộc sống, hưởng thụ cuộc sống, và mỉm cười.
Phụ nữ dân tộc thiểu số hay lam hay làm, khéo léo, nhẫn nhịn - đó gần như là hình ảnh mặc định trong cái nhìn chủ quan của số đông.
Những người phụ nữ vừa là lao động chính trong gia đình, vừa quán xuyến việc nhà, và thời gian chưa xa đây là mấy, ở nhiều dân tộc như Mông, Thái, Dao, Ê đê, Ba na, Chăm, Cơ tu, Pa kô.. hiển nhiên đã là phụ nữ thì phải biết dệt vải, biết thêu thùa may vá. Vậy nên bé gái biết cầm kim đã được chị, được mẹ, được bà dạy cách làm.
Cuộc sống khó khăn, vất vả. Nhưng niềm yêu cuộc sống vẫn nở thành những nụ cười trên môi họ.
Người phụ nữ Thái đang đồ xôi
Chiếc chõ gỗ đặc biệt này là sáng tạo của người dân vùng cao phía Bắc. Đồ xôi bằng chõ gỗ, hạt xôi dẻo, ráo nước, không bị nát. Thậm chí, để tiết kiệm công sức và củi lửa, trong nồi nước bên dưới, người phụ nữ vùng cao tranh thủ nấu canh, hầm xương...
Chủ quán bánh cuốn ở phố cổ Đồng Văn (Hà Giang)
Chủ yếu là người Mông sinh sống ở Đồng Văn (88%, thống kê năm 2010); ngoài ra còn 15 dân tộc khác, như: Lô Lô, Pu Péo, Cờ Lao, Dao, Giáy, Tày, Kinh, Hoa...
Người phụ nữ ở Đồng Văn vác củi xuống chợ bán
Thiếu phụ người Lô Lô ở làng Lô Lô Chải, dưới chân cột cờ Lũng Cú (Hà Giang). Tranh thủ lúc rảnh rang, cô đem tấm thổ cẩm ra trước nhà đứng thêu trong lúc chuyện vãn với bạn bè. Hiếm có thời gian nào hoàn toàn trôi qua vô nghĩa với nhiều người phụ nữ vùng cao. Cuộc sống của họ luôn bận rộn.
Những bé gái này đã là một lao động chủ lực của gia đình. Em đi cắt cỏ về nuôi ngựa. Bố em đan cho em một chiếc gùi nhỏ, vừa sức. Những chiếc gùi lớn dần theo tuổi của em. Thậm chí, trên nhiều nẻo đường, có thể gặp cả những bé gái 5-7 tuổi lũn cũn cõng gùi phụ việc cho bố mẹ, anh chị.
Người phụ nữ Mông từ HTX dệt thổ cẩm Lùng Tám (xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ, Hà Giang) về Hà Nội giới thiệu về nghề dệt lanh và sản phẩm dệt bằng sợ lanh của người Mông. Chiếc khăn bà đội đã được cách điệu từ chiếc khăn truyền thống của phụ nữ Mông. Chủ nhiệm HTX này là một phụ nữ Mông nổi tiếng - bà Vàng Thị Mai. Những sản phẩm dệt thủ công của phụ nữ Mông ở Lùng Tám giờ đã có mặt ở nhiều quốc gia, với giá bán không hề rẻ. Những người thợ dệt Lùng Tám đã sáng tạo thêm nhiều mẫu hoa văn mới, nhiều màu nhuộm mới, và nhiều loại vải lanh hơn so với truyền thống.
Mèn mén - món ăn từng một thời là món chính của đồng bào nhiều dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc. Những người phụ nữ người Mông, người Tày ở Bắc Hà (Lào Cai), nay nấu món này như một món ăn chơi, để nhớ về những ngày khó khăn đã xa. Cuộc sống giờ đã thảnh thơi hơn một chút. Ở Bắc Hà bây giờ, ngoài ngô, bà con trồng mận, trồng hoa, trồng cây lấy gỗ; làm du lịch...
Lê Bích Phượng/VOV4
Viết bình luận