(VOV4) - Lào Cai là tỉnh duy nhất trong cả nước thực hiện Đề án thí điểm mô hình ban tuyên vận xã, phường, thị trấn; tổ tuyên vận thôn, bản, tổ dân phố giai đoạn 2012 - 2016. Những kết quả đạt được trong 5 năm thực hiện đề án tuyên vận là cơ sở để Tỉnh uỷ Lào Cai tiếp tục triển khai mô hình trong giai đoạn 2016 – 2020.
Ông Ma Thanh Sợi, dân tộc Tày, ở xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, là Bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ tuyên vận bản Rịa
Tận tình với công việc chung của bản, ông được dân làng kính trọng, bầu là người có uy tín trong nhiều năm. Ông Sợi hiểu lời ăn tiếng nói, nếp nghĩ của từng người. Ông bảo để dân nghe, dân làm theo thì mình phải là người đi đầu, phải là người gương mẫu trong các hoạt động:
"Khi vận động xây dựng nông thôn mới, mình phải hiến đất trước đã. Nhà tôi hiến 300 m2 để mở đường. Các hộ khác, mình giải thích tuyến đường cũ nó cong, nó xấu, tuyến đường mới nó cũng không mất bao nhiêu đất của gia đình nên sao lại không cho? Như nhà tôi chẳng hạn, mời bà con đến xem đi. Thế là người ta thấy nhà ông bí thư chi bộ, tổ trưởng tuyên vận đã hiến đất. Chỉ cần một hai nhà liền kề người ta hiến đất thì cả thôn sẽ ủng hộ".
Ông Ma Thanh Sợi, Bí thư chi bộ thôn Bản Rịa
Ông Sợi bảo làm công tác tuyên vận đòi hỏi sự kiên nhẫn và tâm huyết mới có thể duy trì lâu dài được. Nếu không, nhiều khi lại gây mâu thuẫn, mất đoàn kết ở khu dân cư. Trong câu chuyện giảm nghèo, ông đã làm cho người dân bản Rịa thay đổi cách nghĩ.
"Năm 2014, ở thôn tôi có 16 hộ nghèo giảm xuống còn 10 hộ, nhưng người ta không muốn rút ra. Mình cũng phải đưa lý luận năm 1945-1946 Bác Hồ đã phát động đấu tranh chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Giặc đói thì đeo đuổi mãi. Đã là người Việt Nam yêu nước, không tham gia vào mặt trận xóa đói giảm nghèo thì còn yêu nước gì nữa! Chứ còn bảo xung phong vào hộ nghèo thì ngay cả hộ giàu họ cũng nhảy vào ngay đấy. Từ khi phân tích được ý nghĩa của nó thì công cuộc xóa đói giảm nghèo bớt căng thẳng".
Ông Sợi còn là một “nhà sáng chế" giỏi khi chế ra thùng đốt rác, được bà con hào hứng đón nhận và sử dụng rộng rãi, giải quyết một khối lượng lớn rác thải ở khu dân cư đang gây ảnh hưởng đến môi trường. Từ ngày có thùng đốt rác của ông Sợi, ý thức bảo vệ môi trường sống của người dân bản Rịa đổi thay trông thấy. Tiêu chí môi trường trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới - một tiêu chí mà nhiều nơi cho là khó thực hiện, thì bản Rịa đã hoàn thành.
Bản có 75 hộ, đã xây được 66 thùng gom đốt rác thải. Có những thùng để cho hai ba nhà liền kề dùng chung. Chi phí khoảng 200 ngàn/thùng.
Khi được hỏi là tại sao tuổi đã cao rồi mà ông vẫn tích cực tham gia công tác xã hội đến vậy, ông Sợi cười hiền: “Bà con quý, bà con tin, bà con chỉ muốn ông Sợi này làm”.
Việt Phú/VOV4
Viết bình luận