(VOV) - Những ngày qua, tại Yên Bái liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc gây chết người, do ăn phải đồ ăn có chứa độc tố. Thói quen ăn uống của bà con vùng cao trong bối cảnh thực phẩm bẩn xuất hiện ngày càng nhiều đang tiềm ẩn nguy cơ dẫn tới ngộ độc.
Chợ Mường Lò ở thị xã miền núi Nghĩa Lộ được coi là chợ lớn nhất buôn bán hàng nông sản và thực phẩm của tỉnh Yên Bái. Khu vực bán rau quả, thực phẩm và hàng tươi sống luôn tấp nập mỗi ngày. Điều dễ nhận thấy là đồng bào các dân tộc thường chọn những thực phẩm giá rẻ để mua, do điều kiện kinh tế của bà con hạn chế, nhà đông người.
Anh Triệu Tài Toàn, ở xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn, vừa mua rau tại chợ Mường Lò, cho biết:
- Không biết có thuốc hay không có thuốc đâu, cứ rẻ thì mua, hợp túi tiền thì mua thôi.
Tiếp xúc với nhiều người nội trợ tại thành phố Yên Bái và các huyện Văn Chấn, Trấn Yên, Lục Yên … có thể thấy, mặc dù khá lo sợ khi nghe các phương tiện truyền thông liên tục đăng tải các vụ ngộ độc thực phẩm, các vụ buôn bán thực phẩm bẩn, gây bệnh, nhưng người dân gần như bất lực. Kiến thức để phân biệt các loại hàng hóa còn hạn chế, nên việc lựa chọn sản phẩm khi mua chủ yếu phụ thuộc vào cảm tính của bản thân.
Gian hàng bán nông sản trong chợ Mường Lò. Ảnh:baoyenbai.com.vn
Chị Nguyễn Thị Chi, ở phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái, cho biết:
- Rau an toàn với không an toàn thì xem nếu mà nó mỡ màng, không sâu gì thì là người ta phun thuốc kích thích và thuốc sâu. Chứ còn rau như của tôi đây nhìn rất là sâu và nấm đầy, đây là rau an toàn. Nếu rau ngót này nấu lên mà nước đen xì thì đấy là rau rất nhiều đạm, ăn vào có thể bị ngộ độc.
Một nguyên nhân khác khiến nguy cơ ngộ độc thực phẩm ở vùng cao Yên Bái tăng cao là thói quen trong chế biến và sử dụng món ăn của đồng bào các dân tộc thiểu số. Bà con vẫn thường sử dụng các loại rau và nấm rừng để ăn, dù không ít người tử vong do không phân biệt được loại nào có độc, loại nào không. Bên cạnh đó, thói quen ăn sống thịt lạp, gỏi tái vẫn rất phổ biến.
Chị Hà Thị Xuân, ở xã Thanh Lương, huyện Văn Chấn, giải thích:
- Không sao đâu, trước đến giờ ông bà cha mẹ vẫn làm thế, vẫn ăn, không làm sao hết. Mình chế biến nhiều rồi, cả nhà mình vẫn ăn suốt.
Trước tình hình thực phẩm bẩn tràn về khu vực miền núi, vùng cao ngày một nhiều, các ngành chức năng ở Yên Bái đã chủ động triển khai nhiều biện pháp giúp người dân ứng phó với ngộ độc thực phẩm, trong đó đề cao việc tuyên truyền bằng nhiều hình thức.
Ông Lương Quốc Dũng, Chi cục trưởng Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Yên Bái, cho biết:
- Trước hết là tập trung vào công tác tuyên truyền để cho đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa có thể nhận dạng được các độc tố tự nhiên, ví dụ như nấm nào mình có thể sử dụng được, mùa nào có thể ăn được; thứ 2 là các loại độc tố có trong động vật như thịt cóc, lòng cóc, trứng cóc nếu không chế biến tốt cũng sẽ xảy ra ngộ độc. Các đám cưới, đám tang ở các vùng đông người, chúng tôi chỉ đạo y tế cơ sở đến để hướng dẫn cách lựa chọn, chế biến và bảo quản để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đinh Tuấn/VOV-Tây Bắc
Viết bình luận