Phòng bệnh sốt xuất huyết là việc của ngành y tế !
Thứ sáu, 00:00, 05/08/2016

(VOV) - Bệnh sốt xuất huyết đang tăng mạnh tại các tỉnh Tây Nguyên. Toàn khu vực ghi nhận hơn 6.300 trường hợp mắc bệnh. Ở Kon Tum, Gia Lai và Đắc Lắc đều đã có trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết. So với cùng kỳ năm 2015, số ca bệnh tăng gấp 15 lần.


 

Gia Lai hiện là tỉnh có số người mắc sốt xuất huyết cao nhất khu vực Tây Nguyên, với gần 3.800 trường hợp, kế tiếp là tỉnh Đắc Lắc với  2.200 ca bệnh. Mọi huyện, thị xã, thành phố ở 2 tỉnh này đều có ca bệnh và có những nơi dân cả buôn đều mắc sốt xuất huyết.

 

Chị H’Lưới Kpă, ở buôn Sek, xã Dlei Yang, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắc Lắc, cho biết: “Bị hết cả làng luôn, có người thì 2 -3 lần sốt, có người 2 lần. Nhà thì mới bị lần đầu tiên. Chưa đi bệnh viện vì đang điều trị ở nhà, vì đi bệnh viện thì cũng vậy à”.

 

 

Số người chờ được khám ở Trung tâm y tế đang tiếp tục tăng

 

Do số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao, các bệnh viện trong khu vực đang trong tình trạng quá tải. Với trên 540 ca nhập viện điều trị, huyện Đắc Tô là địa phương có số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhiều nhất ở tỉnh Kon Tum tính từ đầu năm đến nay. Chỉ riêng trong tháng 7, Trung tâm y tế huyện đã tiếp nhận điều trị cho 225 bệnh nhân. Bác sĩ Tô Ngọc Phấn, Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện Đắc Tô, cho biết: “Tại bệnh viện sốt xuất huyết có những lúc lên tới 60 ca. Bệnh viện biên chế 85 giường bệnh. Hiện tại số bệnh nhân là 150, có những lúc gần 160. Giường bệnh quá tải tại Khoa y học Nhiệt đới nên phải kê thêm giường cho bệnh nhân nằm ghép với các khoa khác, chẳng hạn như Nội, Khoa ngoại, Khoa sản, Khoa nhi đều có bệnh nhân sốt xuất huyết nằm chung trong đó”.

 

Còn tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắc Lắc, gần 1 tháng nay, số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhập viện gia tăng đột biến, số bệnh nhân có dấu hiệu sốc cũng nhiều hơn. Tình trạng này đã gây nhiều khó khăn trong công tác điều trị. Bác sĩ Nguyễn Hai, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắc Lắc, cho biết: “Khó khăn đầu tiên là cơ sở vật chất, số giường bệnh không đủ cho bệnh nhân nằm. Bệnh nhân vào viện phải khắc phục bằng cách mang theo giường xếp để bệnh nhân nằm. Số bệnh nhân tăng gấp 5 lần trong khi số lượng nhân viên y tế chưa kịp tăng”.


 

Dân chủ quan, đã gây nhiều khó khăn trong công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết

 

Nguyên nhân sốt xuất huyết bùng phát mạnh ở khu vực Tây Nguyên, bên cạnh yếu tố thời tiết, còn do thái độ lơ là và tâm lý chủ quan của người dân trong công tác phòng bệnh. Những tuần đầu mùa mưa, ngành y tế tỉnh Kon Tum đã  lập các tổ xung kích, phun hóa chất kết hợp với dọn dẹp vệ sinh môi trường, đồng thời cùng chính quyền địa phương xuống tận các hộ dân nhắc nhở, hướng dẫn cách phòng bệnh nhất là việc diệt loăng quăng, bọ gậy.

 

Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Thị Vân, Phó Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Kon Tum, thái độ lơ là và tâm lý chủ quan của người dân đã gây nhiều khó khăn trong công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết: “Người dân có người họ rất thờ ơ. Họ còn ỷ lại là khi xảy ra dịch bệnh như vậy là nhờ cán bộ y tế thôi. Thậm chí người dân cứ nghĩ là phun thuốc là phòng được bệnh sốt xuất huyết rồi mà họ không hiểu được là bệnh sốt xuất huyết này mình phải tự phòng lấy bằng cách tự diệt muỗi, tự thu gom các dụng cụ chứa nước trong gia đình. Khi phun hóa chất thì mình thông báo nhưng người ta đi làm, không hợp tác với mình ở nhà để mở cửa cho mình phun hóa chất. Một số người dân cũng đâu có đồng ý cho mình vào nhà để mà phun hóa chất đâu”.


Phun thuốc diệt muỗi ở các nhà dân

 

Tương tự như vậy, ở tỉnh Gia Lai, có những người dân cho rằng  công tác phòng bệnh thuộc về ngành y tế. Ông Đinh Hà Nam, Phó giám đốc Sở y tế tỉnh này cho biết: “Cái khó của chúng tôi là người dân cứ nghĩ là trách nhiệm hoàn toàn là của ngành y tế. Sự ủng hộ của người dân không cao, không muốn nói là hầu như không ủng hộ. Thời gian qua, chúng tôi đã làm rất mạnh, chúng tôi đã tổ chức chiến dịch người dân tự diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy để phòng chống bệnh zika và sốt xuất huyết. Tuyến tỉnh làm, tuyến huyện cũng làm, rất nhiều chương trình nhưng mà sau đó, chúng tôi đi kiểm tra lại thì gần như công tác vệ sinh môi trường không chuyển biến gì”.

 

Qua kiểm tra công tác chống dịch tại các địa phương, Tiến sĩ Phạm Thọ Dược, Viện trưởng Viện vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên, đánh giá dù đã phát động các chiến dịch vệ sinh môi trường, ký cam kết phòng chống dịch bệnh, nhưng thực tế việc triển khai ở cơ sở lại chưa đạt yêu cầu, chỉ là hình thức, đối phó. Do vậy, chưa đánh động được ý thức cũng như thay đổi nhận thức của người dân trong công tác phòng chống dịch.

 

Trước tình trạng này, ngành y tế và chính quyền các tỉnh Tây Nguyên đang  nỗ lực tập trung cho công tác vệ sinh môi trường, kiểm soát không để dịch tiếp tục lan rộng. Đặc biệt là khắc phục tình trạng quá tải tại các bệnh viện, tăng cường việc giám sát, điều trị tại cộng đồng để không còn xảy ra trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.

 

 

 

Minh Châu/VOV-Tây Nguyên

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC