Phòng chống đuối nước cho trẻ em
Thứ hai, 00:00, 26/06/2017 Thu Hòa biên tập chương trình Thu Hòa biên tập chương trình
VOV4.VN - Phòng chống đuối nước cho trẻ em, nhất là trẻ em ở các huyện miền núi, luôn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù cứ đầu hè, công tác tuyên truyền được tăng cường, nhưng tình trạng trẻ em tử vong do đuối nước vẫn diễn ra.

Sự bất cẩn của người lớn

Chỉ tính trong vài tháng trở lại đây, ở các vùng cao miền núi xảy ra nhiều vụ trẻ em bị đuối nước rất thương tâm. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này thì có nhiều, nhưng đáng trách nhất vẫn là sự bất cẩn của người lớn.

Sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của người lớn khiến tai nạn đuối nước không ngừng gia tăng. Nhà trường thì chưa chú trọng tới việc dạy kỹ năng cho trẻ, cha mẹ lại chỉ coi trọng việc mưu sinh, nuôi dưỡng con cái mà ít quan tâm đến sự an toàn của con. Chính bản thân cha mẹ cũng coi thường mức độ nguy hiểm từ các ao hồ nhỏ trong vườn, trong rẫy.

Chị Hà Thị Hòa, ở bản Cóng, xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong, Nghệ An, vô tư bày tỏ: "Các con tôi vẫn rủ nhau đi tắm trong khe trong suối, nhưng tôi không đi theo. Tôi cũng nhiều việc lắm và cũng không biết nó đi lúc nào. Chỉ thấy đến tối thì nó về thay quần áo thôi".

Trẻ em thường chủ quan, thiếu kỹ năng bơi lội, lại thiếu sân chơi trong mùa hè. Ông Vi Văn Oanh, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Kỳ Sơn, Nghệ An, lý giải: Thời gian nghỉ hè đúng vào dịp lao động mùa vụ của người dân ở vùng cao, bố mẹ lên nương rẫy, chỉ có con trẻ ở nhà. Rất hiếm khu vui chơi ở các thôn bản.

Việc phòng chống đuối nước được xem là chuyện cấp bách. Nhưng các giải pháp dường như chỉ là hình thức. Một số địa phương đã có văn bản triển khai tới cơ sở, chương trình phòng chống đuối nước cho trẻ em được thể hiện rất quy mô, với cả chục sở - ban - ngành, hội - đoàn thể tham gia. Thế nhưng thực tế, trẻ chỉ được đào tạo kỹ năng bơi lội trên… cạn!

Sự bất cẩn của người lớn khi để trẻ em vô tư đùa nghịch giữa dòng nước

 

Cần sự phối hợp phòng chống đuối nước cho trẻ


Ở Quảng Trị, luân phiên theo tháng, tổ chức Plan quốc tế tại Việt Nam đã tổ chức 15 ngày dạy bơi miễn phí cho học sinh các xã vùng cao, đến nay đã tốt nghiệp 11 lớp cho khoảng 900 em. Ngoài lý thuyết, trẻ được làm quen với kỹ thuật đạp chân dưới nước, quạt tay trên cạn, kết hợp tập thở, tập thở dưới nước, sơ cấp cứu đuối nước an toàn.

Chị Nguyễn Thị Thảo, cán bộ tổ chức văn phòng Plan cho biết: "Thời gian tới, để các em có thể tiếp cận với mô hình học bơi này nhiều hơn, chúng tôi sẽ đào tạo một số giảng viên nguồn là giáo viên để các giáo viên khác cũng có kỹ năng để nhân rộng mô hình này".

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Trị đã chủ động tổ chức 12 lớp tập huấn kỹ năng cơ bản phòng chống tai nạn thương tích trẻ em cho các trưởng thôn, bí thư chi bộ, đoàn thể cấp thôn và các hộ dân thuộc huyện Triệu Phong, Đakrông, thu hút hơn 1.000 người tham gia. Đồng thời tuyên truyền về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em cho các trường Tiểu học và THCS, với 1.900 em tham gia.

 Ở nhiều địa phương khác, Đoàn thanh niên cơ sở đã liên hệ được cơ sở hạ tầng, luân phiên dạy bơi miễn phí cho học sinh trong dịp nghỉ hè, xây dựng biển báo phòng chống đuối nước tại các xã là “điểm nóng” về nguy cơ đuối nước...

Bộ LĐ-TB&XH mới đây đã xây dựng dự thảo đề xuất chính sách hỗ trợ phòng chống đuối nước trẻ em, mục tiêu đến năm 2020, trên 80% trẻ em từ 6-15 tuổi được học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước; 100% các địa phương kiện toàn mạng lưới dịch vụ dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn cho trẻ em 6-15 tuổi; xây dựng đội ngũ giáo viên dạy bơi theo chương trình bơi an toàn và 100% số xã, phường thực hiện loại bỏ các nguy cơ gây đuối nước trẻ em.

Bộ cũng đã chủ trì 63 tỉnh, thành phố triển khai các chương trình truyền thông, hỗ trợ chi phí học bơi cho trẻ…

Tổ chức UNICEF cam kết hỗ trợ Việt Nam thông qua chương trình giảm nhẹ rủi ro thiên tai, lấy trẻ em làm trung tâm, xây dựng kế hoạch nâng cao cơ chế phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.

  

Lớp học bơi miễn phí ở vùng quê


Các biện pháp sơ cứu đuối nước

Sau đây là một số biện pháp sơ cứu đơn giản để bà con và các bạn có thể áp dụng, hạn chế tối đa tai nạn đuối nước:

Về phía phụ huynh, cần đảm bảo sức khỏe để con em mình có thể tham gia bơi lội. Những em nhỏ mắc bệnh hen phế quản, bệnh đường hô hấp mạn tính: Viêm mũi dị ứng, viêm mũi xuất tiết, viêm xoang mạn; viêm da dị ứng…không nên xuống nước vì có thể làm bệnh nghiêm trọng hơn, dẫn tới những tai nạn không mong muốn khi bơi.

Khi trẻ đi bơi cần phải biết để luôn bên cạnh, trông chừng và theo dõi trẻ. Tốt nhất trang bị cho trẻ áo phao hoặc phao bơi.

Quan trọng nhất là kỹ năng chủ động tự cứu mình. Các em học sinh khi phát hiện thấy bạn bị ngã xuống nước, cần hô hoán, kêu gọi mọi người đến ứng cứu, giúp đỡ ngay.

Đồng thời, nhanh chóng tìm bất kỳ vật dụng nào để có thể cứu gián tiếp như: cây sào, phao, áo, quần, dây nịt…Hãy cho bạn bị đuối nước bám vào các vật dụng này để người trên bờ kéo dần vào. Tuyệt đối không được nhảy theo cứu nạn nhân nếu mình không biết bơi và không biết cách cứu đuối.

Sau khi đưa người bị đuối nước vào bờ, lập tức kiểm tra đường thở, nếu trong miệng, mũi, có dị vật cần móc ra ngay, rồi nghiêng người nạn nhân để cho lưu dịch thoát khỏi đường thở.

Nếu nạn nhân ngừng thở, ngừng tim, cần đặt nạn nhân nằm ngửa, lấy tay bịt mũi nạn nhân, hít một hơi thật sâu rồi ngậm kín miệng nạn nhân, thổi một hơi dài rồi buông ra. Tiếp tục làm thêm hai lần như vậy.

Sau đó đan hai tay vào nhau, đặt lên vị trí 1/3 xương ức về phía ngực trái và ép liên tục khoảng 30 lần. Luân phiên hai lần hồi sức hô hấp - 30 lần ép tim như vậy cho đến khi có người đưa đi cấp cứu ở các cơ sở y tế.

 

 

 

Thu Hòa/VOV4

Thu Hòa biên tập chương trình

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC