Phụ nữ vùng cao mạnh dạn ứng dụng CNTT trong phát triển kinh tế
Thứ ba, 16:18, 08/03/2022 Thu Ha bt- 4 ảnh (1 ảnh kt) Thu Ha bt- 4 ảnh (1 ảnh kt)
VOV4.VN – Mô hình kinh tế hộ gia đình và các hợp tác xã do phụ nữ dân tộc thiểu số làm chủ xuất hiện ngày càng nhiều ở Bắc Kạn. Không chỉ từng bước khẳng định vị thế trong gia đình, xã hội, các chị đã từng bước tiếp cận ứng dụng khoa học hiện đại để đưa các sản phẩm nông, lâm sản vượt ra ngoài thị trường địa phương.

 

Gần 3 năm qua, dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế, trong đó có cả những ngành nghề liên quan đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông lâm sản của người dân vùng cao.

HTX Nông nghiệp Tân Thành, tại bản người Dao Tân Thành, xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn chuyên về sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ cây nghệ, thị trường tiêu thụ của HTX mở rộng hầu khắp các tỉnh, thành phố. 

Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, việc trực tiếp mang hàng hóa, sản phẩm đi tiêu thụ là điều không dễ. Sau lúng túng ban đầu, các chị trong hợp tác xã đã kịp thời khắc phục bằng cách đẩy mạnh đưa thông tin lên các trang mạng xã hội, tạo cửa hàng riêng trên các ứng dụng mua bán online và đặc biệt là tập trung phát triển sản phẩm trên website.

Chị Nguyễn Thị Hồng Minh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Thành cho biết: Chúng tôi lập trang web từ 2018, kết hợp các hình thức xúc tiến thương mại và maketting khác thì website rất quan trọng để giới thiệu, bán hàng. Trong thời điểm ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 chúng tôi có trang web thay cho những lần đi xúc tiến thương mại, giới thiệu trực tiếp. Nhờ đó, khách hàng vẫn biết  lên web đặt hàng với chúng tôi. Chúng tôi chuyển hàng qua bưu điện hoặc chuyển phát nhanh, rất thuận tiện.

HTX nông nghiệp Tân Thành sử dụng website để đưa sản phẩm ra thị trường

Còn tại HTX Thiên An ở xã Vi Hương, huyện Bạch Thông, sản phẩm chủ lực là các loại thuốc tắm thảo dược và gối dược liệu thổ cẩm đã được khẳng định giá trị nhưng muốn mở rộng thị trường đối với chị em phụ nữ bản vùng cao này cũng là điều không dễ.

Để sản phẩm đến được tay người tiêu dùng, các chị đã mời cán bộ về mở lớp hướng dẫn kiến thức về công nghệ thông tin. Dù lần đầu tiếp xúc các khái niệm như chuyển đổi số, marketing...nhưng với sự chịu khó học hỏi, thông qua quảng bá trên các nền tảng số, đến nay thị trường tiêu thụ của các chị đã mở rộng ra hàng chục tỉnh, thành. 

Chị Lý Thị Quyên, HTX Thiên An, huyện Bạch Thông chia sẻ: Sản phẩm của chúng tôi được nhiều người biết đến, thậm chí có cả người nước ngoài. Nhờ đó, số lượng đơn hàng của chúng tôi tăng lên đáng kể; cuộc sống của thành viên cũng như thu nhập của thành viên cũng được tăng lên theo.

Tại Bắc Kạn hiện có có hàng chục  HTX và các doanh nghiệp vừa và nhỏ do chị em dân tộc thiểu số làm chủ. Trong đó, nhiều hợp tác xã chủ lực trong lĩnh vực nông lâm nghiệp của tỉnh đều do phụ nữ các bản làng vùng cao tham gia. Khéo léo, chịu thương chịu khó, phụ nữ vùng cao đang dần bắt kịp xu thế của thị trường và tiến bộ công nghệ. 

Phụ nữ người Dao xã Vi Hương, huyện Bạch Thông tham gia HTX sản xuất gối dược liệu thổ cẩm

Chị Nguyễn Thị Hoan, Giám đốc HTX Miến dong Tài Hoan, người đầu tiên đưa sản phẩm nông sản Bắc Kạn sang thị trường Châu Âu cho biết: Tôi đã tham gia rất nhiều các lớp tập huấn do các đơn vị, sở ngành tập huấn, qua đó đã học hỏi, biết cách để đưa sản phẩm của mình lên các sàn điện tử. Công nghệ trong thời đại 4.0 đang có vai trò rất quan trọng để sản phẩm của chúng tôi đến với khách hàng trong và ngoài nước.

Ứng dụng thành công tiến bộ công nghệ cũng là cách để các hợp tác xã và chị em phụ nữ vùng cao đưa sản phẩm của đơn vị mình vươn xa hơn trên thị trường. Thành công từ các mô hình đã góp phần thay đổi cơ bản nhận thức của xã hội, nhất là nam giới về vai trò phụ nữ trong phát triển kinh tế.

Nhiều chị em chia sẻ: Lúc đầu các chị không được sự hỗ trợ của gia đình, bởi quan niệm của dân tộc Dao còn khá nặng nề, kinh tế là do người chồng làm chủ, phụ nữ không có quyền, nhất là về quản lý kinh tế tài chỉnh. Vậy nhưng khi các hợp tác xã thành lập, hoạt động có hiệu quả thì nhiều thanh niên nam giới cũng đồng tình, các ông chồng lúc đầu không ủng hộ thì giờ đã hưởng ứng, thậm chí xin tham gia.

Việc mở sàn giao dịch điện tử giúp các sản phẩm nông, lâm sản của phụ nữ vùng cao Bắc Kạn vươn xa hơn trên thị trường

Mới đây, Bắc Kạn đã thành lập sàn thương mại điện tử, ngay lập tức, nhiều chị em, chủ yếu là Giám đốc các HTX trong lĩnh vực sản phẩm nông sản đã đăng ký tham gia. Theo các chị, tham gia sàn thương mại điện tử chính là bước đi quan trọng để sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng. Điều này cũng cho thấy sự thay đổi tích cực trong nhận thức của phụ nữ vùng cao về vai trò của họ trong gia đình và trong phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương./.

 

Công Luận/VOV Đông Bắc

Thu Ha bt- 4 ảnh (1 ảnh kt)

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC