Quảng Bình đào tạo nghề giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo
Thứ tư, 08:18, 02/10/2024 Thanh Hiếu/VOV Miền Trung Thanh Hiếu/VOV Miền Trung
VOV4.VOV.VN: Đào tạo nghề là một trong các giải pháp quan trọng giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi tỉnh Quảng Bình thoát nghèo. Nhờ được đào tạo nghề, bà con có việc làm ổn định, phát triển kinh tế ngày càng hiệu quả.

 

Trước đây, gia đình anh Đinh Quang Thao, ở thôn Tân Xuân, xã Xuân Hóa, huyện miền núi Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình sống dựa vào 3 sào ruộng và đi làm thuê. Cuộc sống gia đình anh rất chật vật, khó khăn. Sau đó, anh Thao đi học nghề ở trung tâm huyện Minh Hóa. Anh chọn học nghề thú y và chăm sóc, trồng rừng để phát triển chăn nuôi và trồng trọt.

Học nghề xong, anh Thao xây dựng gia trại quy mô nhỏ, nuôi gà, lợn và trồng rừng. Đến nay, anh Thao đã mở rộng chuồng trại nuôi gà, lợn. Mỗi năm, anh nuôi 4 lứa gà, mỗi lứa 1.000 con và 60 con lợn thịt. Tổng thu nhập từ chăn nuôi lợn, gà và trồng rừng của gia đình Thao khoảng 300 triệu đồng/năm.

“Sau khi được các thầy, các cô dạy nghề, tôi triển khai nuôi gà rồi mở rộng thêm nuôi lợn. Nhà nước có chủ trương đào tạo nghề cho nông dân là rất tốt để mọi người được tiếp cận khoa học kỹ thuật trực tiếp sản xuất có hiệu quả hơn”, Anh Đinh Quang Thao, thôn Tân Xuân, xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa kể.

Tỉnh Quảng Bình đào tạo nghề cho người dân miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số theo nhu cầu, nguyện vọng của người học. Mỗi người dân sống ở mỗi địa phương khác nhau sẽ có những công việc khác nhau. Học nghề xong, bà con có thể ứng dụng vào công việc phù hợp tại địa phương. Ông Đinh Văn Nương, ở xã Hóa Hợp, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình cho biết, người dân địa phương có lợi thế sống gần rừng, trước đây thường khai thác lâm sản dưới tán rừng như lấy mật ong, hái măng, nhà nào có đất thì trồng rừng. Những năm qua, nghề nuôi ong lấy mật gần rừng tự nhiên, rừng sản xuất đã giúp người dân địa phương phát triển kinh tế, giảm nghèo. Ông Nương tham gia lớp đào tạo nghề nuôi ong lấy mật tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Minh Hóa với dự định khi học xong sẽ nỗ lực phát triển kinh tế.

“Nghề nuôi ong vốn là nghề truyền thống và quan trọng ở địa phương. Từ trước tới nay thì thu nhập từ việc nuôi ong mang lại rất lớn vì vậy tôi tham gia lớp học nuôi ong, trang bị kiến thức để ứng dụng thực tiễn nuôi trồng tại gia đình, tạo nguồn thu nhập. Về phương pháp nuôi ong mới tôi được học và việc phòng trừ bệnh dịch thì tôi thấy rất là hiệu quả so với cách truyền thống”, ông Đinh Văn Nương, cho biết thêm.

Công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững tại miền núi tỉnh Quảng Bình. Hiện nay, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình đã quan tâm mở các lớp đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp bằng nhiều hình thức, nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số trong việc lựa chọn ngành nghề phù hợp.

Bà Cao Thị Mỹ Nhạn, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Minh Hóa cho biết, trung tâm đã bám sát chủ trương phát triển kinh tế của các địa phương để lựa chọn nghề đào tạo phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa bàn, phù hợp với phong tục tập quán sản xuất của người dân. Huyện ưu tiên đào tạo lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số. Theo bà Cao Thị Mỹ Nhạn, việc lựa chọn nghề phù hợp với đặc thù từng địa phương để đào tạo nhân lực tại chỗ rất quan trọng, khi học xong họ có thể áp dụng ngay, tăng năng suất, tăng hiệu quả trong phát triển kinh tế.

Thời gian qua, huyện Minh Hóa chủ động dạy nghề sát với thế mạnh tại địa phương như: nghề trồng nấm, trồng rau, trồng rừng, nuôi ong lấy mật, đan lát, chế biến món ăn… Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ông Hoàng Thanh Bình, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Minh Hóa cho biết, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của huyện đạt trên 39%, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo. Trong thời gian tới, huyện Minh Hóa sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền để lao động nông thôn hiểu được ý nghĩa tầm quan trọng của việc học nghề, có chứng chỉ nghề để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Đào tạo nghề cho lao động miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Bình nằm trong Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nhiều hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập, đời sống ngày càng được cải thiện.

Hiện nay, tỉnh Quảng Bình thực hiện việc lồng ghép các chương trình, dự án, đề án, kế hoạch đào tạo nghề, tạo việc làm, giảm nghèo phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hằng năm, tỉnh Quảng Bình rà soát, thống kê số lượng người dân có nhu cầu học nghề, tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo thực hiện công tác tuyển sinh, tổ chức các lớp đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu của lao động nông thôn và vùng dân tộc thiểu số.

 

Thanh Hiếu/VOV Miền Trung

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC