Quảng Nam hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị
Thứ năm, 10:59, 24/10/2024 Tuyết Lê/VOV miền Trung Tuyết Lê/VOV miền Trung
VOV4.VOV.VN - Thực hiện Dự án 3 về Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thời gian qua, các huyện vùng cao, biên giới tỉnh Quảng Nam đã triển khai nhiều mô hình hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị bước đầu đem lại hiệu quả tích cực, góp phần thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao thu nhập đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Nam.

 

Mấy năm trước, ông BNướch Ngang, dân tộc Cơ Tu, ở tổ dân phố A Duông, thị trấn Prao, huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Hàng ngày, BNướch Ngang lên rừng trồng các loại cây như sắn, điều, thơm nhưng hiệu quả thấp, cái nghèo luôn đeo bám. Năm 2017, ông BNướch Ngang được chính quyền huyện Đông Giang hỗ trợ cây giống, phát triển kinh tế vườn, rừng. Hiện tại, ông BNướch Ngang sở hữu 3 héc ta cây sâm ba kích tím, 5 héc ta cây keo, dổi, quế. Ông BNướch Ngang còn đầu tư mở rộng chuồng trại chăn nuôi heo đen và nuôi hươu lấy nhung theo mô hình liên kết. Theo ông BNướch Ngang, nhờ nguồn hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã giúp gia đình ông từng bước vượt khó làm giàu.

Theo ông BNướch Ngang, sản xuất theo chuỗi liên kết đã giúp người dân nâng cao thu nhập, thay đổi thói quen sản xuất truyền thống là độc canh cây lúa trên nương, hướng tới sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập trên một đơn vị vị diện tích.

“Chính quyền địa phương quan tâm rất nhiều, đặc biệt là các loại cây trồng con vật nuôi, chuỗi giá trị trồng cây ba kích tím và cây quế đang phát triển rất tốt, đang nuôi hươu thu hoạch nhung 2 đợt rồi. Trước đây, đời sống đang khó khăn, 6 năm trở lại đây được Đảng Nhà nước hỗ trợ nhiều loại cây giống mình tiếp cận sớm, năm nay thu nhập từ cây ba kích hơn 100 triệu đồng. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giúp bà con tổ dân phố tiếp cận rất nhiều. Tôi đã hướng dẫn bà con cách trồng và chăm sóc cây ba kích tím, hiện nay đời sống của bà con phát triển tốt”, ông BNướch Ngang nói.

Thực hiện dự án 3 về “Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị” huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam đã và đang giúp nhiều người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Nguồn kinh phí được đầu tư cho Dự án 3 là hơn 90 tỷ đồng. Trong đó, thực hiện tiểu dự án án 1 về “Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân” có tổng kinh phí hơn 65 tỷ đồng; đối với tiểu dự án 2 về “Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số” đầu tư hơn 28 tỷ đồng. Các dự án này khi triển khai nhận được sự đồng thuận của người dân, bước đầu đạt hiệu quả tích cực. 

Ông Đỗ Hữu Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Hiện nay các nguồn vốn được phân bổ cho các địa phương. Đối với nguồn sự nghiệp đã thực hiện giao khoán bảo vệ rừng. Huyện đã khảo sát đúng theo đối tượng. Tiểu dự án thứ 2 là hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị thì hiện nay huyện đang triển khai thực hiện triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị tại các xã, thị trấn. Cụ thể như các mô hình nuôi hươu sao đã bán ra cho các đơn vị liên kết, trồng quế, trồng mít ruột đỏ,  dự án liên kết trồng cây ba kích tím. Cơ bản bà con đã có được thu nhập. Huyện Đông Giang tiếp tục quan tâm đầu tư cho các chuỗi mô hình liên kết này. Từ đó giúp người dân có được thu nhập giảm nghèo nhanh bền vững”

Thực hiện Dự án 3 về Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các huyện vùng cao, biên giới tỉnh Quảng Nam đã triển khai nhiều mô hình hỗ trợ sản xuất theo chuổi giá trị, bước đầu đem lại hiệu quả tích cực. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp, Hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn đầu tư mở rộng quy mô, phát triển sản xuất, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Ông Hà Ra Diêu, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam cho biết: “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là chương trình mới tích hợp 118 các cơ chế chính sách. Cụ thể Dự án 3 là Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị hỗ trợ cây trồng vật nuôi cho người dân. Dự án 3 đã hỗ trợ phát triển và trồng rừng thì vốn Trung ương đưa về nhiều hơn so với thực tế rừng, hỗ trợ 15 ký gạo cho người dân, tham gia trồng rừng thì có định mức cụ thể rồi. Thông qua chương trình này đã góp phần tạo bộ mặt mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó góp phần phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi"./.

 

Tuyết Lê/VOV miền Trung

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC