Bên tấm vải lanh, chậu sáp ong nóng chảy, chị em phụ nữ dân tộc Mông ở xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, Sơn La say mê vẽ, khắc họa những đường nét tạo nên bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình.
Không ai nhớ, nét đẹp văn hóa ấy có từ bao giờ, chỉ biết rằng, nếu có dịp ghé thăm rẻo cao dịp này, du khách có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh chị em phụ nữ, từ thiếu nữ đôi mươi đến những cô, những bà tóc đã điểm bạc đang miệt mài, chăm chút hoàn thiện trang phục cho bản thân và gia đình để đón Tết, vui xuân.
Anh Hoàng Huy, du khách đến từ Hà Nội cho biết: "Tôi biết về vẽ sáp ong của người Mông từ rất lâu rồi, cũng có những sản phẩm đang dùng từ vải lanh vẽ sáp ong của người Mông, nhưng chưa lần nào được xem trực tiếp mọi người vẽ. Thực sự nay rất vui được đến xem và trải nghiệm trực tiếp. Mong bà con sẽ giữ được nét văn hóa của dân tộc mình".
“Miền cổ tích” Ngọc Chiến còn để lại vấn vương trong lòng du khách bởi những mái nhà lợp pơ mu của đồng bào Thái. Đặc biệt, mỗi ngôi nhà đều được chỉnh trang sẵn sàng đón khách. Mỗi người dân bản địa đều có thể làm hướng dẫn viên du lịch thân thiện, tâm huyết; những món ăn truyền thống do bà con tự tay nuôi trồng, chế biến cũng sẽ trở thành ẩm thực khó quên với những người phương xa.
Không những vậy, cả 15 bản ở Ngọc Chiến đều có những chiếc cổng chào thiết kế sáng tạo, khu không gian văn hóa cộng đồng đậm bản sắc; có cả những bài hát riêng về bản do nghệ nhân sáng tác... tất cả đã đem đến cho du khách những trải nghiệm hiếm nơi nào có được. Nhiều khu tâm linh như nhà thờ tổ Đon Hó, nhà thờ cây thần Sa Mu; nhà thờ Xủ Công bản Lướt... cũng được tôn tạo, trở thành điểm đến hấp dẫn.
Người đứng đầu cấp uỷ xã Ngọc Chiến với những chủ trương, cách làm độc đáo, riêng có - Bí thư đảng ủy xã Ngọc Chiến, Bùi Tiến Sỹ chia sẻ: "Chúng tôi khôi phục lại những giá trị văn hóa, những sản phẩm văn hóa đã bị mai một qua thời gian của cha ông để lại, để trở thành sản phẩm du lịch. Đặc biệt là Ngọc Chiến đang tập trung phát triển du lịch cộng đồng, xây dựng trên cơ sở khôi phục và gìn giữ các giá trị văn hóa của riêng Ngọc Chiến, mà chỉ ở Ngọc Chiến mới có, để tạo thành một sản phẩm độc đáo, hấp dẫn, thu hút và mời gọi du khách đến với Ngọc Chiến".
Ngược dòng sông Đà tới mảnh đất phía đông bắc của Sơn La - huyện Phù Yên được biết đến với nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị, như: Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp; di tích đèo Lũng Lô; lễ hội Xíp Xí nổi tiếng của đồng bào dân tộc Thái trắng, lễ hội Mợi của đồng bào Mường, cùng nhiều nghi lễ, phong tục được đồng bào các dân tộc gìn giữ bấy lâu.
Để đánh thức vùng đất còn “ngủ quên” trên bản đồ du lịch Sơn La, Phù Yên xác định sắc màu văn hóa là điểm nhấn không thể thiếu trong bức tranh du lịch huyện nhà. Ngày hội du lịch văn hóa với chủ đề “Đậm đà hương vị Phù Hoa” cuối năm 2023 vừa qua với nhiều hoạt động hấp dẫn lần đầu tiên được tổ chức là cơ hội để Phù Yên hiện thực hóa điều đó.
Được biết, đây là lần đầu tiên huyện Phù Yên tổ chức sự kiện này. Mục đích quảng bá tiềm năng du lịch, truyền thống, bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn Tây Bắc nói chung và huyện nhà nói riêng.
Tại trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh, thành phố Sơn La với 12 dân tộc anh em sinh sống là nơi hội tụ một kho tàng văn hóa độc đáo, phong phú và quý giá. Với quan điểm văn hóa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có du lịch; nhiều chủ trương, chính sách đã được thành phố Sơn La triển khai, đặc biệt là Đề án về giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thành phố, mang đậm bản sắc các dân tộc của tiểu vùng Tây Bắc.
Ông Hà Trung Chiến, Bí thư Thành uỷ Sơn La cho biết: "Chúng tôi có những việc làm cụ thể, như làm việc với các nhà văn hóa, các nhà nghiên cứu văn hóa ở địa phương, tổ chức các sự kiện văn hóa, khôi phục các lễ hội văn hóa, phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc. Tổ chức các câu lạc bộ bảo tồn văn hóa tổ chức truyền dạy chữ viết cho con em dân tộc, bảo tồn trò chơi dân gian, bảo tồn trang phục truyền thống của các dân tộc. Thế rồi bảo tồn các lễ hội, phải xác định danh mục lễ hội nào cần phải bảo tồn và cách thức phục dựng ra làm sao, như lễ hội Đông Xên, lễ hội hoa ban, lễ hội Xên bản, Xên mường…"
Dẫu còn không ít khó khăn, nhưng chính sự mộc mạc, nguyên sơ, cùng những nét đẹp văn hóa được gìn giữ, khôi phục và phát triển đã giúp Sơn La trở thành điểm hẹn hấp dẫn trong vòng cung du lịch Tây Bắc.
Cấp uỷ, chính quyền, những người làm du lịch ở Sơn La kỳ vọng, đến năm 2025, mục tiêu đón khoảng 5,2 triệu lượt khách, với 5.800 tỷ đồng doanh thu từ dịch vụ du lịch sẽ được hiện thực hóa, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh đề ra.
Viết bình luận