Sằng Pả yêu cô giáo cắm bản
Thứ ba, 00:00, 26/07/2016

(VOV4) - Các thầy cô giáo cắm bản, họ không chỉ là thầy mà còn là cha, là mẹ của các em nhỏ vùng cao. Những nỗ lực, hy sinh của họ không chỉ là những gì nhìn thấy...


Những con chữ đầu đời của mọi đứa trẻ ở Sằng Pả ( Phố Cáo, Đồng Văn, Hà Giang) đều do một tay cô giáo Thêu uốn nắn. Đã từ lâu, cô Thêu chỉ được dạy lớp 1. Ở đây, lớp 1 là quyết định. Đồng bào thấy con mình thích đi học, có tiến bộ thì mới cho con học lên các lớp trên.


"Con yêu cô giáo vì cô giáo hát hay, cô giáo dạy đọc, cô giáo dạy viết, cô giáo dạy hát" - học trò cô Thêu nói thế.

 

Nhiều học sinh biết nói tiếng Kinh, lớp có bàn ghế đẹp, điểm trường cách trung tâm xã có 6 cây số… Với cô giáo Thêu, việc dạy học hôm nay đã là như mơ so với 19 năm trước. Hồi đó, ở cái tuổi thanh xuân phơi phới, với tinh thần tự nguyện xông pha, cô Thêu vẫn không khỏi chùng lòng trước sự thiếu thốn của vùng núi đá này: "Nhìn thấy các em ở điểm trường mà nhiều đêm, với 1 cô giáo nữa, hai chị em ôm nhau khóc. Vừa là nhớ nhà, vừa là thấy vùng cao khổ quá. Xung quanh lớp học cắm bằng cây trúc, hễ trời mưa gió thì ướt hết vở các em. Thế là hai chị em ôm nhau khóc. Nhưng ban ngày nhìn học sinh lại quên hết…".


 

Một lớp học vùng cao   Ảnh:VOV-Tây Bắc

 

Ở lớp học của cô Thêu có những thứ khá đặc biệt. Những chậu cây vừa dùng để trang trí cho lớp học, vừa là giáo cụ trực quan để dạy học sinh, đồng thời cũng là món ăn cho cả thầy và trò. 19 năm ở vùng biên cương đã cho cô Thêu sự căn cơ ấy khi mà mùa đông đến, sương giá khiến rau không thể mọc; khi mà đợt giáp hạt về, bọn trẻ theo bố mẹ đi nương, lớp học 15 đứa thì chỉ duy nhất một đứa còn bám lớp. Vậy nhưng tới nay, nhiều học sinh của cô đã đỗ đạt và trở về công tác tại địa phương.

 

19 năm miệt mài gieo con chữ, gieo tình người, với các gia đình trong thôn, cô giáo Thêu giờ đã như con cái trong nhà. Bà Thào Thị Chúng, ở thôn Sằng Pả, coi cô Thêu như con gái: "Mẹ quý con gái, thương con gái, mẹ chỉ có cái rau trong vườn cho thôi. Thế mà mẹ ốm, con gái nấu cháo nấu cơm mang cho mẹ".

 

Chồng cô Thêu cũng là giáo viên cắm bản. Hai vợ chồng chăm lo những đứa trẻ vùng cao. Còn con mình thì lại phải gửi về quê cho ông bà ngoại từ khi mới 3 tuổi. Cậu con trai lớn bị suy dinh dưỡng bào thai, chân bị teo cơ, phải chạy chữa hơn 10 năm trời: "Mọi người đều bảo chị giàu tình cảm vậy sao xa con được? Thế nhưng mà mỗi khi đến lớp thì tất cả con em của dân cũng như con mình, không  thể bỏ bê được. Đã theo công việc này rồi, người dân ở đây cũng yêu quý mình thì mình cũng yêu quý người ta…" - cô giáo Thêu nghẹn giọng.

 

Chiều vùng biên, lặng lẽ và hiu vắng, thấm đẫm tình người. Vợ chồng cô giáo Thêu tranh thủ trồng luống rau ở sân trường. Như vậy, bữa cơm ngày mai bọn trẻ sẽ có thêm niềm vui…

 

 

 

Thu Hòa/VOV4

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC