VOV4.VN - Sim là vị dược liệu quý, cũng là một trong những loài cây giữ đất, chống xói mòn tốt tại các khu vực triền đồi có độ dốc cao, thường xuyên bị mưa lũ. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, tại Điện Biên, việc thu mua ồ ạt, khai thác tận diệt củ sim đã khiến loài cây này ngày càng trở nên khan hiếm và đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.
Huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên, vài năm trước đây đâu đâu cũng bắt gặp những cánh rừng sim. Tuy nhiên, giờ đây, chính những người dân địa phương cũng phải khó khăn lắm mới tìm được một vài gốc. Từ khi củ sim được thương lái thu mua với giá cao, người dân đua nhau đi khai thác, khiến loài cây này cạn kiệt.
Chị Lù Thị Định, ở bản Kéo Nánh, xã Búng Lao, cho biết vợ chồng chị đã 3 năm khai thác củ sim để bán. Thời gian đầu ít người làm, mỗi ngày, một mình chị có thể đào được cả tạ sim. Tuy nhiên, bây giờ muốn đào được củ sim phải đi rất xa và vất vả, có khi cả ngày cũng chỉ được một vài gốc, khoảng 4-5 kg mang về tích trữ bán dần, một yến 15 nghìn đồng.
Củ sim được băm nhỏ, bán tươi cho các chủ thu mua tập kết phơi khô. Theo ghi nhận của phóng viên, dọc các tuyến đường qua một số huyện như: Mường Ảng, Tuần Giáo, Điện Biên… xuất hiện hàng chục bãi lớn, nhỏ tập kết củ sim khô. Một số chủ cơ sở thu mua cho hay, họ được thương lái dưới xuôi đặt cọc trước tiền để thu gom hàng, rồi hàng tháng sẽ cho xe tải lớn lên lấy về. Ai cũng chỉ nghe nói là thu mua để xuất bán sang Trung Quốc làm thuốc, tuy nhiên cụ thể để làm những gì thì không ai nắm rõ.
Chị Lò Thị Tâm, chủ một cơ sở thu mua gốc sim tại Mường Ảng, nói: "Mới mua từ tháng 3 về bán khô được 3 tấn. Họ bảo mang đi làm thuốc, bảo thế thôi chả biết thuốc gì. Mình băm to thì họ bảo băm nhỏ lại, băm to nhà máy không nghiền được".
Theo bác sỹ Vũ Đình Việt, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Đông y tỉnh Điện Biên, việc khai thác tận diệt sẽ dẫn đến mất nguồn gen dược liệu và về lâu dài sẽ gây ra những hệ lụy khó lường đối với môi trường. Bên cạnh đó, việc người dân khai thác không đúng quy trình, sơ chế và bảo quản theo cách phơi trực tiếp dưới nền đất, hoặc ủ thành đống tại các khu vực mất vệ sinh là phản khoa học và có thể ảnh hưởng ngược đến tác dụng của dược liệu:
"Thuốc không phải hàng hóa bình thường là hàng hóa đặc biệt dùng để chữa bệnh. Thế nên nếu khâu chế biến cũng như bảo quản thuốc mà không đúng thì thậm chí còn gây ra tác dụng ngược lại".
Việc khai thác củ sim tại Điện Biên vẫn diễn ra. Chưa có bất cứ chế tài nào xử phạt việc này.
3 năm khai thác củ sim đi bán, chị Lù Thị Định cho biết bây giờ phải đi rất xa mới lấy được củ sim. Đi đào cả ngày cũng chỉ lấy được từ vài gốc. Mỗi kilogam tươi bán với giá khoảng 1.500 đồng.
Hàng chục điểm thu mua, tập kết củ sim trên các tuyến đường dọc huyện Mường Ảng
Phơi trực tiếp xuống lòng đường
Người dân đổ xô đi khai thác để kiếm thêm thu nhập
Điều này đã khiến cây sim dần trở nên cạn kiệt
Vũ Lợi/VOV-Tây Bắc
Viết bình luận