VOV4.VN - Tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Bhnoong tại huyện miền núi Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, đã lấy họ Hồ của Bác Hồ để làm họ cho bao thế hệ.
Ông Hồ Văn Điều, nguyên đại biểu Quốc hội khóa IX, nguyên Trưởng ban Dân tộc - Miền núi tỉnh Quảng Nam, hiện sống ở khối 3, thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn. Ông Điều cho hay: Trước kia, người Bhnoong ở huyện Phước Sơn, không có họ, mà chỉ có quy ước nếu là con trai thì gọi thêm chữ đầu là “A”, còn con gái thì gọi thêm chữ đầu là “Y”. Từ ngày đi theo cách mạng, biết ơn sâu sắc Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Bhnoong tại Quảng Nam đã lấy họ Hồ để làm họ cho bao thế hệ người Bhnoong nơi đây.
Ông Điều là người Bhnoong. Họ Đinh. Sinh ra và lớn lên ở làng Tà Riếng, xã Phước Chánh, huyện vùng cao Phước Sơn. Ông Hồ Văn Điều bảo hồi đó, ông không hiểu do đâu các dân tộc thiểu số ở vùng rừng núi Quảng Nam lại có cùng một họ Đinh? Không lẽ người Giẻ Triêng, người Bhnoong, người Ca dong, người Xơ đăng, người Cơ Tu, người Cor... đều có chung một cội nguồn từ thuở khai thiên lập địa đúng như truyền thuyết? Chẳng ai giải thích cho ông thắc mắc ấy, ngay cả các già làng cũng đành chịu bó tay.
Năm 1957 ông Điều bắt đầu tham gia cách mạng. Năm 1960, ông được cử ra Bắc học văn hóa tại trường Dân tộc Mễ Trì. Trong những năm tháng học tập tại đây, ông Điều mới có được câu trả lời cho điều thắc mắc đó: “Mãi cho đến khi được cấp trên đưa ra miền Bắc học tập, tôi mới hay rằng, thực dân Pháp trong quá trình đô hộ nước ta đã áp đặt họ Đinh cho các dân tộc thiểu số ở vùng rừng núi Quảng Nam. Đinh không phải là một tộc họ, mà chỉ là cách gọi đầy miệt thị. Đinh còn có nghĩa là cùng đinh, nghèo hèn! Xác định sống chết với Đảng, với Bác Hồ, trong khi mình lại không có họ, nên lấy họ Bác làm họ của mình luôn”.
Già làng Hồ Văn Nhun là một trong hai người mang họ Hồ đầu tiên ở vùng núi Phước Sơn. Ảnh: baomoi.com
Là bạn, là đồng chí, đồng đội cùng ra Bắc vào Nam với ông Hồ Văn Điều, già làng Hồ Văn Nhun, năm nay đã ngoài 70 tuổi, hiện sống ở khối 4, thị trấn Khâm Đức, từng giữ chức Bí thư Huyện ủy Phước Sơn. Ông cũng là người con ưu tú của đồng bào Bhnoong, một trong hai người đầu tiên mang họ Hồ ở vùng núi Phước Sơn.
Mỗi khi nhắc đến kỷ niệm trong hai lần được gặp Bác Hồ, ông Nhun không giấu được niềm vui: "Trước khi ra Bắc học tập 1960, tên của tôi là Đinh Văn Nhun. Anh Điều cũng thế. Hồi đó mình chỉ mới hình dung ông này (Bác Hồ) là ông cha chung. Bởi ông đã bày cho mình cắt tóc, bày cho mình học chữ và đặc biệt là nhớ đến muối mà Bác Hồ cho đồng bào Trường Sơn-Tây Nguyên. Lúc đó tất cả bà con Cơ Tu, Cor, Ca Dong, Xơ-đăng, Giẻ Triêng… đều hướng về Bác Hồ. Năm 1962, tôi cùng hàng ngàn học sinh tại trường Dân tộc trung ương vinh dự đón Bác, được nghe Bác nói chuyện. Gặp Bác, tôi rất cảm động. Tôi mới chợt nhận ra A! chính ông này, là Bác Hồ đó, tôi đã để ảnh ông trong ống tre cùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp giấu trong rừng. Lúc đó thấy Bác rất gần gũi như người cha, người già làng của mình. Sau một thời gian học tập tôi mới có tên là Hồ Văn Nhun".
Rời miền Bắc trở về quê nhà sống và chiến đấu, hai ông đổi họ tên từ Đinh Văn Điều, Đinh Văn Nhun thành Hồ Văn Điều và Hồ Văn Nhun. Trong những năm hoạt động cách mạng, hai ông Hồ Văn Điều và Hồ Văn Nhun, hoạt đầu là tuyên truyền, vận động người Bhnoong ở làng quê hai ông, rồi sau đó là người Bhnoong, người Giẻ triêng, người Cơ Tu ở khắp các bản làng của huyện Phước Sơn. Cứ thế, đồng bào Bhnoong và các dân tộc thiểu số ở vùng rừng núi Quảng Nam cùng mang họ Hồ.
Chị Hồ Thị Hường, ở thôn 4, xã Phước Mỹ, huyện Phước Sơn, kể lại: Ngày xưa lúc tôi còn nhỏ, ông bà thường kể về một lãnh tụ của đất nước. Đó là Bác Hồ. Cứ thế. Hầu như đồng bào Giẻ Triêng ở Phước Sơn đều mang họ Hồ hết. Đây là một vinh dự không chỉ riêng bản thân tôi. Nhưng muốn vinh dự này thật sự xứng đáng thì tôi nghĩ mình cần phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất.
Đối với đồng bào Bhnoong, được mang họ của Bác Hồ là một niềm tự hào và là tài sản tinh thần quý báu của cả cộng đồng được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Bàn thờ Bác luôn đặt chính giữa nhà, nơi cao nhất, đẹp nhất và uy nghiêm nhất.
Alăng Lợi/VOV-Miền Trung
Viết bình luận