Tảo hôn và kết hôn cận huyết nơi bản xa
Thứ năm, 00:00, 01/09/2016

(VOV) - Không chỉ lấy vợ, lấy chồng sớm, ở các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới Lai Châu còn có cả những câu chuyện con cô - con cậu, con dì – con bác lấy nhau.


 

Mới ở tuổi 21, nhưng chàng trai Sùng A Chinh, dân tộc Mông, ở bản Hoàng Liên Sơn 1, xã biên giới Nậm Xe, huyện Phong Thổ, trông như người đàn ông ở tuổi tứ tuần. Lấy vợ sớm, gia đình khó khăn, Chinh phải vật lộn với nương rẫy. Sau vài năm lấy vợ, lần lượt hai đứa con ra đời trong sự nghèo đói, túng quẫn nơi bản làng heo hút. Hai bé gái chỉ cách nhau hơn 1 tuổi, tóc vàng hoe, gầy gò, hàng ngày lê la chơi và nheo nhóc vì đói sữa, đói ăn.

 

Sùng Chinh tâm sự: Khi mới 15 tuổi, đang học lớp 8 nội trú ở xã, mỗi khi được nghỉ học về nhà, anh thường cùng nhóm bạn và các anh lớn tuổi sang bản bên để tìm vợ. Rồi cô bé Giàng Thị Mẩy, con gái của dì mới 14 tuổi, cao chưa đầy 1,4 mét đã được Chinh để ý. Sau một vài lần đến nhà chơi, thấy Mẩy cũng thích mình, lại là người trong nhà nên Chinh về nói với bố là nghỉ học để lấy vợ. Bố đồng ý ngay vì gia đình đang thiếu người làm. Vậy là ngay ngày hôm sau, Chinh đưa bố đến nhà nói chuyện và khoảng nửa tháng sau, "bắt" Mẩy về làm vợ theo phong tục dân tộc mình.

 

- Nhà tôi có 2 con gái rồi, biết sinh thêm con sẽ vất vả và khó khăn những vẫn phải sinh con trai để mai này nối dõi. Bố mẹ bảo thế thì cứ làm thôi. Tôi sẽ cố gắng làm ruộng để nuôi các con thôi - Chinh nói.

 

Những đứa trẻ tật nguyền do hôn nhân cận huyết thống. Ảnh minh họa: baomoi.com


Ở bản Hoàng Liên Sơn 1 hay các bản người Mông, người Dao khác thuộc xã Nậm Xe, chuyện lấy vợ lấy chồng từ thủơ 14, 15  và con anh lấy con em như vợ chồng Sùng A Chinh, Giàng Thị Mẩy không phải là hiếm. Nhiều người cho rằng việc đó là chuyện bình thường, vì từ trước tới nay ông cha vẫn làm vậy, miễn không cùng họ là được. Một phần cũng tại việc tiếp cận với xã hội bên ngoài ít, nên các thanh niên trong độ tuổi từ 15-18 ở Nậm Xe chỉ cần thấy thích nhau và được bố mẹ thích là nhà trai mang trâu, mang lợn mổ mời cả bản.

 

Ông Giàng A Sua, ở bản Hoàng Liên Sơn 2, xã Nậm Xe, cho biết: “Biết việc cho chúng lấy nhau khi chưa đủ 18 – 20 tuổi là tảo hôn, là vi phạm pháp luật, nhưng các cháu đã lỡ đi lại với nhau, có con chung rồi nên gia đình phải tổ chức cưới cho các cháu. Chúng lấy nhau không được đăng ký, biết sai nhưng phải chấp nhận chịu hình phạt theo quy ước của bản thôi”.

 


Tuyên truyền tác hại của hôn nhân cận huyết thống cho bà con vùng cao. Ảnh: dantri.com


Xã Nậm Xe có 17 bản, chủ yếu là đồng bào Thái, Mông, Dao. Xã có 19 cộng tác viên dân số, thì hầu hết đều là người kiêm nhiệm. Có thời điểm có người cùng lúc phải phụ trách 2 - 3 bản. Với sự nỗ lực của chính quyền, tình trạng tảo hôn, cận huyết thống và sinh con thứ 3 đã có chiều hướng giảm. Chị Vàng Thị Thiệp, cộng tác viên dân số, nói: “Chúng tôi gặp gỡ các gia đình tuyên truyền về tác hại của việc sinh nhiều con, tảo hôn và quan hệ cận huyết thống. Việc tuyên truyền nhiều nên nhận thức người dân cũng được nâng cao, tình trạng sinh con thứ 3 và tảo hôn giảm đáng kể so với những năm trước”.

 

Theo ông Lý Văn Hà, cán bộ dân số xã Nậm Xe, cho biết tình trạng sinh con thứ 3, tảo hôn và quan hệ cận huyết thống dù đã giảm, nhưng vẫn rất phức tạp. Bà con thường cho con cái lấy vợ lấy chồng sớm là để sớm có người làm, có cháu để bế, vì họ cho rằng có con cháu sớm và đông thì gia đình mới vui. Từ đầu năm đến nay, 17 cặp lấy nhau thì có 14 cặp tảo hôn, 4 cặp quan hệ cận huyết thống. Các cặp quan hệ cận huyết thường là đời 3, thứ 4. Họ quan niệm chỉ cần khác dòng họ là có thể lấy nhau được. Đặc biệt là ở đồng bào Mông, đồng bào Dao vẫn còn quan niệm lấy nhau để giữ mối quan hệ huyết thống trong gia đình.


 

 

Khắc Kiên/VOV-Tây Bắc 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC