Ông Trần Hồng Minh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng.
Phóng viên VOV: Thưa ông, tỉnh Cao Bằng đã và đang cụ thể hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh như thế nào. Nguồn vốn từ ngân sách địa phương sẽ được tỉnh bố trí ra sao trong bối cảnh Cao Bằng vẫn còn là tỉnh khó khăn?
Ông Trần Hồng Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng: Ngày 15 tháng 11 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã có buổi buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Cao Bằng, trong đó tập trung vào triển khai thực hiện dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng), nhằm tập trung mọi nguồn lực để triển khai và hoàn thành dự án trước năm 2025 nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt lớn nhất về kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy Cao Bằng đã ban hành kế hoạch thực hiện Kết luận của Thủ tướng Chính phủ về Dự án đường bộ cao tốc, tập trung vào một số nội dung:
Thứ nhất, Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị khẩn trương rà soát, hoàn thiện thủ tục hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương xem xét, quyết định. Hiện nay hồ sơ đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định liên ngành thực hiện xin ý kiến các thành viên Hội đồng. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với tỉnh Lạng Sơn trong quá trình hoàn thiện thủ tục và tổ chức khởi công Dự án, theo tinh thần sẽ vào khoảng cuối quý II, đầu quý III năm 2022.
Thứ hai, Với quyết tâm cao nhất, tỉnh Cao Bằng đã rà soát lại kế hoạch đầu tư công trung hạn. Theo đó tỉnh đã cắt, giãn giảm 22 Dự án đầu tư phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn tỉnh để tập trung bố trí vốn cho dự án cao tốc. Tại kỳ họp lần thứ 6 (tháng 12/2021) Hội đồng nhân dân tỉnh khoá 17 đã họp và ra nghị quyết về việc bố trí vốn tham gia dự án, theo đó tỉnh đã bố trí đủ nguồn lực và cân đối đủ 4.080 tỷ đồng ngân sách địa phương cho dự án này.
Thứ ba, Cao Bằng đã huy động sự vào cuộc, sự thống nhất cao của cả hệ thống chính trị trong tỉnh để tổ chức triển khai thực hiện dự án đảm bảo đúng tiến độ và kế hoạch đề ra.
Phóng viên VOV: Hiện nay, công việc giải phóng mặt bằng và đầu tư hệ thống hạ tầng kết nối tuyến đường này được địa phương chuẩn bị triển khai ra sao?
Ông Trần Hồng Minh: Cao Bằng đã chủ động thành lập Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng Dự án và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo. Ngay sau khi thành lập, Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng đã ban hành Kế hoạch thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng Dự án trên địa bàn tỉnh Cao Bằng (giai đoạn 1).
Nội dung Kế hoạch đã xác định cụ thể mục đích, yêu cầu, phạm vi, quy mô thực hiện, thời gian thực hiện, nội dung kế hoạch và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố liên quan. Tỉnh đã chủ động phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn thống nhất khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, trình Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương xem xét, quyết định; Ngoài ra, tỉnh cũng đã bố trí đủ kinh phí để sẵn sàng triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng theo đúng quy định của pháp luật.
Về việc nghiên cứu tuyến kết nối cao tốc với thành phố Cao Bằng, Thường trực Tỉnh uỷ đã giao Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn nghiên cứu các phương án đầu tư với quy mô dự kiến đường cấp III miền núi, chiều dài khoảng 25km, tổng mức đầu tư khoảng gần 1.400 tỉ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh đã sử dụng nguồn ngân sách địa phương để triển khai các dự án mang tính chất phục vụ thi công tuyến đường bộ cao tốc, đồng thời phát triển kinh tế xã hội cho địa phương, gồm 2 dự án: Dự án Đường giao thông Đoỏng Lẹng, thị trấn Đông Khê, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng và Dự án Cải tạo, nâng cấp đường giao thông Thụy Hùng - Vân Trình, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng. Hiện nay 2 dự án này cơ bản đã hoàn thành, dự kiến bàn giao đi vào khai thác sử dụng trong Quý 1 năm 2022.
Phóng viên VOV: Để có thể khai thác tối đa giá trị tuyến đường mang lại, chiến lược đầu tư của Cao Bằng như thế nào, nhất là tại các khu vực cửa khẩu?
Ông Trần Hồng Minh: Nhằm khai thác tối đa các giá trị mà tuyến đường mang lại, Tỉnh ủy Cao Bằng đã ban hành các chương trình trọng tâm trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, đó là Chương trình xây dựng và đổi mới cơ chế, chính sách, Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là giao thông trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021-2025. Cùng với đó là triển khai các nội dung đột phá về phát triển du lịch – dịch vụ bền vững; phát triển nông nghiệp hữu cơ và triển kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng. Đây là các nội dung có tác động trực tiếp nhất khi tuyến cao tốc được hoàn thành. Trong nhiệm kỳ này, tỉnh Cao Bằng tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ về giao thông, du lịch, cửa khẩu, đô thị, hạ tầng số để sẵn sàng kết nối và khai thác tối đa lợi thế mà tuyến cao tốc mang lại; đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách thật tốt để thu hút các nhà đầu tư đến với tỉnh Cao Bằng.
Quang cảnh cuộc họp của Tỉnh ủy Cao Bằng về dự án cao tốc Đồng Đăng- Trà Lĩnh - Ảnh: kt
Hiện nay, Bộ Xây dựng đang trình Thủ tướng phê duyệt Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng đến năm 2040 với mục tiêu xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng là trở thành trung tâm kinh tế dịch vụ, thương mại cửa khẩu, giao lưu quốc tế, là một khu vực phát triển bền vững, điểm đột phá về kinh tế và có sức lan tỏa phát triển (Đồ án quy hoạch có các không gian để phát triển hệ thống cửa khẩu, lối mở, các khu trung tâm cửa khẩu; các khu chế xuất, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, kho bãi và dịch vụ logistic…).
Sau khi tuyến cao tốc hoàn thành, khu vực Cửa khẩu Trà Lĩnh sẽ trở thành một trọng điểm phát triển kinh tế của Cao Bằng cũng như khu vực các tỉnh phía miền núi phía Bắc
Cao Bằng cũng đang thực hiện lập hồ sơ điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung thành phố Cao Bằng, xây dựng phương án đầu tư đồng bộ hạ tầng khu công nghiệp, khu đô thị theo quy hoạch để mở ra không gian phát triển và tạo động lực phát triển mới cho tỉnh Cao Bằng, làm cơ sở thu hút đầu tư.
Tỉnh cũng đã lập danh mục các dự án trọng điểm để thu hút, kêu gọi nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách với 8 dự án, tổng vốn đầu tư khoảng hơn 10.000 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, tỉnh Cao Bằng đã làm việc với một số nhà đầu tư chiến lược, có năng lực, kinh nghiệm đến khảo sát, nghiên cứu đầu tư các dự án logistic, khu trung tâm trung chuyển hàng hóa, bất động sản, nhà ở, hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp và khu kinh tế tại tỉnh Cao Bằng.
Phóng viên VOV: Xin cảm ơn ông. Chúc Cao Bằng sớm hoàn thiện tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, góp phần tích cực cho phát triển kinh tế, xã hội địa phương./.
Công Luận/VOV Đông Bắc
Viết bình luận