Háo hức, mong chờ là tâm trạng chung của bà con dân tộc Mông cũng như đồng bào các dân tộc huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu hướng về Tết Độc lập 2/9.
Cứ vào những ngày này bà con trong bản khẩn trương hoàn thiện nốt những công đoạn cuối cùng cho bộ trang phục của mình để kịp xuống phố huyện chơi. Những người đàn ông trong nhà thì dọn dẹp, trang trí lại nhà cửa, ôn lại những bài khèn, điệu múa đặc trưng để cùng giao lưu văn hóa, văn nghệ trong ngày Tết Độc lập.
Chị Kháng Thị Sâu, ở bản Tu San, xã Tà Mung, huyện Than Uyên cho biết: "Bà con rất mong là năm nào chính quyền cũng tổ chức Tết Độc lập để chị em ở trên vùng cao như có thể được đi chơi, đi tham gia các hoạt động để hiểu biết hơn. Mỗi lần đi như vậy, chị em sẽ thấy thế giới bên ngoài bản đông vui như thế nào và học hỏi được nhiều điều".
Cũng như nhiều hộ đồng bào Mông khác, những ngày này, vợ chồng ông Mùa A Mang, ở bản Tu San, xã Tà Mung, huyện Than Uyên (Lai Châu) lại cùng nhau quét dọn nhà cửa và mang lá cờ Tổ quốc ra treo trước cổng. Ở nơi chính giữa ngôi nhà, ông Mang cẩn thận treo ảnh Bác Hồ và cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Những việc làm ấy của ông và bà con bản Tu San không chỉ thể hiện tinh thần yêu nước, mà còn thể hiện lòng biết ơn của người dân với các thế hệ cha ông trong công cuộc bảo vệ, xây dựng đất nước.
"Người Mông không chỉ đi chơi Tết Độc lập xong rồi để chuẩn bị cho một mùa bội thu mà đi chơi còn để lòng nhớ ơn tới các bậc anh hùng đã dựng xây đất nước. Bác Hồ đã khai sinh ra nước Việt Nam và có được một cái tết cho bà con đi chơi và bà con đã ý thức được là trước khi đi chơi và sau khi đi chơi sẽ luôn luôn đoàn kết và xây dựng để bảo vệ Tổ quốc cũng như là đi chơi Tết Độc lập" - Ông Mang chia sẻ.
Theo lời kể của những người có uy tín trong đồng bào Mông ở xã Tà Mung, huyện Than Uyên, trước đây đồng bào dân tộc Mông chỉ ăn tết một lần vào dịp cuối năm, nhưng nhiều năm nay bà con đã coi ngày này là ngày tết thứ hai của dân tộc mình. Từ đó, cứ vào những ngày cuối tháng 8 hàng năm, khắp các bản làng vùng cao đến khu vực nội thị đều treo cờ hoa, biểu ngữ chào mừng. Niềm vui của ngày Tết Độc lập lan tỏa khắp bản trên mường dưới.
Ông Sùng A Sa, Phó Chủ tịch UBND xã Tà Mung, huyện Than Uyên chia sẻ: "Người Mông ở xã Tà Mung rất là hào hứng chào mừng Tết Độc lập mà ngày này đã có truyền thống từ lâu rồi. Không biết từ bào giờ, cứ hàng năm đến dịp 2/9 chuẩn bị quần áo và các điều kiện khác để đón tết. Nhà nhà treo cờ, ảnh Bác, dọn dẹp nhà cửa và sẵn sàng cho con cháu, người thân tham gia các hoạt động Tết Độc lập ở huyện".
Để Tết Độc lập trở thành ngày hội của đồng bào các dân tộc địa phương, từ năm 2012 đến nay chính quyền huyện Than Uyên đã tổ chức gắn với Ngày hội Văn hóa thể thao và du lịch. Từ đó đến nay đã được duy trì và trở thành giá trị văn hóa truyền thống mang tính thương hiệu không chỉ riêng tại huyện Than Uyên mà còn là ngày hội của đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu và cả vùng Tây Bắc.
Ông Nguyễn Văn Thăng, Chủ tịch UBND huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu cho biết: "Hoạt động Tết Độc lập có từ rất lâu đời rồi, cứ vào ngày 2/9 bà con các dân tộc huyện Than Uyên và một số huyện lân cận của tỉnh Yên Bái, Sơn La, Điện Biên và Lào Cai lại tụ họp về huyện Than Uyên để vui chơi Tết Độc lập. Nhận thấy được ý nghĩa quan trọng trong đoàn kết các dân tộc, để hưởng ứng Tết Độc lập UBND huyện Than Uyên đã thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Lai Châu tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao cùng với ngày 2/9. Đây là dịp để bà con nhân dân mang bản sắc văn hóa dân tộc của minh đi giao lưu giữa các dân tộc với nhau để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa"./.
Viết bình luận