Tết trở về trên biên giới Sa Loong
Chủ nhật, 00:00, 29/01/2017

(VOV) - Năm nay, trên 100 gia đình dân tộc Xơ đăng ở làng Giang Lố 2 tổ chức đón Tết thật đặc biệt, bà con ​gọi là “Tết trở về”. Trong sự trở về, đoàn tụ, có những người con được dân làng kính trọng và cũng có cả những đứa con lầm lỗi trở về với con đường sáng.


Tết năm nay được người dân làng Giang Lố 2 , xã biên giới Sa Loong, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, chăm chút kỹ càng hơn. Cùng với cơm lam, rượu ghè, thịt heo, gà nướng… nhà nào cũng có rau dớn, ngọn và củ mây rừng, những món ăn truyền thống chỉ xuất hiện trong dịp lễ trọng của người Xơ đăng.

 

Trở về trong tình cảm yêu thương, kính trọng của dân làng, Thượng tá Trịnh Hà Tâm, Giám đốc Công ty 75 - Binh đoàn 15 (người dân gọi là A Tâm) không khỏi xúc động. Thượng tá Tâm cho biết từ năm 2014 đến năm 2016, ông là Giám đốc Công ty 732 đóng trên địa bàn huyện biên giới Ngọc Hồi. Dù thời gian không dài, song từ những việc làm trách nhiệm, thiết thực cho người dân làng Giang Lố 2 nên ông được bà con nhận làm con của làng và được gọi là A Tâm.

 

A Linh (bìa trái) trở về trong sự bao dung của người dân làng Giang Lố 2   

 

Ông vui vì điều này và càng thấy trách nhiệm của mình trước cuộc sống của bà con, dù giờ đã chuyển công tác sang một đơn vị của Binh đoàn ở tỉnh khác: “Làng đã làm lễ nhận mình làm con rồi. Mình đã làm con rồi thì làng làm bất cứ việc gì đều báo cho mình biết, kể cả ai hư hỗn cũng thông báo cho mình biết để mình cùng với làng bàn bạc. Chính vì vậy, hôm nay là ngày Tết, mình là người con trong làng nên về ăn Tết với bà con”.

 

Với tình cảm trân quý đặc biệt với A Tâm, già làng A Xem mua sắm giường, tủ và dành hẳn một phòng ở của gia đình để người con của làng nghỉ ngơi mỗi khi trở về.

 

Già A Xem cho biết thời gian làm Giám đốc Công ty 732, A Tâm luôn gần gũi, thấu hiểu hoàn cảnh từng hộ dân trong làng. Để thuận lợi cho bà con, A Tâm thuyết phục cấp trên đầu tư con đường bê tông ra khu sản xuất dài trên 3km; ưu tiên giao thêm vườn cao su cho dân làng khai thác để có thu nhập; giúp hộ nghèo giống, vốn, kỹ thuật cùng sức lao động để bà con vươn lên. Công lớn nhất của A Tâm là giúp hàng chục hộ dân trong làng trót nghe theo lừa phỉnh của tà đạo Hà Mòn trở về với tôn giáo chính thống.

 

 “Tâm khôn khéo nói năng với bà con cho bà con hiểu biết chỗ mà họ lầm đường, sai trái. Trước đây là vất vả, đọc kinh suốt ngày suốt đêm. Nhưng mà bây giờ bà con bỏ tà đạo Hà Mòn rồi, bây giờ siêng làm. Đều làm như mọi người hết không ai mà khó khăn nữa” – già làng nói.

 

Già làng A Xem (giữa) tự tay chuẩn bị món ăn cho bữa cơm cộng cảm

 

Năm 2016, những đứa con lầm lỗi của làng Giang Lố 2 đánh dấu sự trở về của mình bằng việc tự nguyện ký cam kết không tin, không nghe, không theo tà đạo Hà Mòn trước sự chứng kiến của chính quyền xã Sa Loong, lãnh đạo Công ty 732 và dân làng.

 

Trong ngôi nhà nhỏ ấm cúng, gia đình anh A Linh đón năm mới với tâm thế tự tin. A Linh kể chuyện với khách mà như tự nhắc nhở mình và gia đình không bao giờ được mắc lại sai lầm cũ: “Trước,  mình đi đọc kinh miết cả ngày cả đêm, không làm được việc gì hết. Bây giờ kẻ xấu mình không đi theo, làm việc tốt hơn. Cạo mủ cao su cũng khá khá, tháng bảy - tám triệu. Tôi tin năm 2017 tôi làm khá hơn năm 2016”.

 

Trong bữa cơm ấm áp dành cho dân làng dịp đầu năm mới, bà con nói về niềm vui. Năm cũ, mủ cao su rớt giá, 54 hộ nhận khoán khai thác mủ cao su với Công ty 732 vẫn có mức lương trung bình từ 7-8 triệu đồng/tháng. Ngoài 28 hộ thuộc diện nghèo, các hộ khác có của ăn của để nhờ trồng thêm cà phê, cao su, mì và chăn nuôi.

 

Niềm tin về những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới 2017 khiến “Tết trở về” của người dân làng Giang Lố 2 thêm nhiều ý nghĩa.  

 

 

 

Khoa Điềm/VOV-Tây Nguyên

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC