VOV4.VN - Trăn trở trước nguy cơ thất truyền tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình, ông Quàng Văn Hặc và ông Lường Văn Pản, dân tộc Thái, ở bản Bó, phường Chiềng An, thành phố Sơn La, đã mở lớp truyền dạy chữ Thái miễn phí cho bà con trong bản.
Cứ 19h giờ tối thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, hơn 50 em độ tuổi từ 6-14 ở Bản Bó, tụ tập đông đủ tại lớp học chữ Thái do thầy Quàng Văn Hặc, cán bộ văn hoá đã nghỉ hưu, dạy. Để lớp học duy trì đúng lịch học, giữ được sỹ số, chi bộ bản tạo điều kiện cho thầy và trò mượn phòng hội trường nhà văn hóa bản để học. Lớp học còn có các em là dân tộc Kinh cùng ở trong bản tham gia.
Thầy Hặc dạy chữ Thái
Một lớp học khác do ông Lường Văn Pản, một người am hiểu tiếng - chữ Thái đảm nhận, dạy cho hơn 20 học viên có độ tuổi từ 18-65. Các ông, bà tuy có tuổi, công việc bận rộn nhưng đều thu xếp thời gian đến lớp học đều đặn, với mong ước giữ gìn và bảo tồn tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình.
Khó khăn với thầy trò ở đây là các em biết tiếng phổ thông nhiều hơn tiếng dân tộc, thầy dạy lại không có chuyên ngành sư phạm. Các thầy đã dựa vào tài liệu dạy chữ Thái của Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Sơn La, vận dụng vào việc giảng cho học viên, làm sao cho học viên dễ hiểu, dễ nhớ. Các thầy cũng giành nhiều thời gian phân tích, giải nghĩa hoặc dịch ra tiếng phổ thông để học viên hiểu hơn. Cứ dần dần như vậy, sau gần 3 tháng học, học viên đã đọc thông viết thạo, một số học viên đã tự nghiên cứu và tham khảo những tác phẩm trường ca dân gian Thái như “Xống chụ xon xao", "Tâm tình tiễn thương", "Khun Lú nàng Ủa”...
Những lớp học tình nguyện ở bản Bó, thầy dạy bằng tấm lòng nhiệt huyết, không có khoản thù lao nào; trò đến học hăng say để tìm lại con chữ của dân tộc mình mà cha ông để lại.
Lường Hạnh/VOV-Tây Bắc
Viết bình luận