Thí điểm vận tải hành khách liên tỉnh ở Tây Bắc còn nhiều trở ngại
Thứ năm, 15:47, 21/10/2021 Thu Ha bt Thu Ha bt
VOV4.VN - Việc thực hiện thí điểm khôi phục vận tải hành khách liên tỉnh bằng đường bộ trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc trong tuần đầu tiên gặp một số trở ngại nhất định, trong đó, việc có rất ít hành khách đi lại là một trong những điều khiến các nhà xe lo lắng nhất.

 

Trong tuần đầu tiên thực hiện thí điểm vận tải hành khách liên tỉnh, các bến xe, nhà xe trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc đều đặc biệt quân tâm đến công tác phòng chống dịch.

Bến xe khách tỉnh Lai Châu đã xây dựng phương án phục vụ, chú trọng tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch tại bến; tăng cường công tác kiểm tra lái, phụ xe, nhân viên phục vụ trên xe và nghiêm túc thực hiện các quy định phòng, chống dịch.

 Nghiêm túc thực hiện các quy định phòng, chống dịch trên xe

Bên cạnh đó, bố trí điểm khai báo y tế tại cổng vào, quét mã QR đối với tất cả những người vào trong khuôn viên của bến xe; phối hợp với cơ quan y tế để quét kháng nguyên nhanh khi cần thiết và niêm yết đường dây nóng để người dân cũng như hành khách và nhân viên bến xe tiếp cận thông tin và có phương án xử lý kịp thời.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid- 19, hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh phải tạm ngừng một thời gian dài. Hiện tại, hoạt động này không chỉ gặp khó bởi sự chưa đồng bộ trong quy định của các địa phương mà còn có sự thay đổi trong nhận thức và thói quen đi lại của người dân.

Từ ngày 13/10 đến hết ngày 20/10, tỉnh Điện Biên tổ chức thí điểm hoạt động vận tải hành khách bằng đường bộ đến các địa phương gồm: Hà Nội, Lai Châu, Lào Cai và Sơn La. Tuy nhiên, theo Công văn số 3522 ngày 13/10/2021 của UBND thành phố Hà Nội về việc triển khai theo lộ trình thí điểm hoạt động vận tải hành khách bằng đường sắt, đường bộ thì tuyến vận tải hành khách đi/đến Điện Biên chưa được hoạt động trở lại. Do đó, hoạt động thí điểm vận tải hành khách tuyến cố định liên tỉnh của Điện Biên thực tế chỉ triển khai ở 3 tỉnh.

Hoạt động thí điểm vận tải hành khách tuyến cố định liên tỉnh chỉ triển khai ở 3 tỉnh

Theo thống kê của Ban Quản lý Bến xe cho thấy, trong hai ngày đầu chỉ có 5 chuyến xe xuất phát từ Bến xe thành phố Điện Biên Phủ đến 3 địa phương trên, trong đó: 3 chuyến đi Lai Châu, 1 chuyến đi Lào Cai và 1 chuyến đi Sơn La. Những ngày tiếp theo hầu hết các tuyến đều không đạt được nửa số chuyến ấn định:

Ông Nguyễn Hoài Nam, Giám đốc Ban quản lý Bến xe khách tỉnh Điện Biên cho biết: Hiện tại với tần suất như vậy đối với 3 tỉnh Điện Biên – Sơn La – Lào Cai tần suất không thực hiện đầy đủ. Mới bước đầu chạy, hành khách chưa nắm bắt thông tin đầy đủ, việc đi lại cũng gặp khó khăn trong công tác tiêm vaccine, rồi mất chi phí xét nghiệm, nên hành khách còn hạn chế đi. Do đó hiệu quả vận chuyển hành khách chưa cao.

Cũng như tại Điện Biên, được hoạt động trở lại sau 5 tháng tạm dừng, hầu hết các bến xe, nhà xe ở các tỉnh Tây Bắc khác đều chuẩn bị đầy đủ phương tiện, nhân lực để phục vụ hành khách. Tuy nhiên, trong tuần đầu thí điểm, lượng khách đi lại quá ít khiến các nhà xe gặp khó khăn, thậm chí là thua lỗ.

Anh Phúc, một lái xe ở tỉnh Sơn La cho biết: Chúng tôi đã đăng lên facebook, zalo rồi, những ngày đầu khôi phục hoạt động vận tải hành khách trở lại, anh em cũng xác định là phải một thời gian bà con mới quen được. Nhưng hiện tại, hành khách quay lại vẫn chưa có.

Tuyến Hà Nội đi các tỉnh Tây Bắc là một trong những tuyến quan trọng nhất và có lượng hành khách đi lại đông nhất. Thế nhưng ngoại trừ một số ít xe chạy tuyến Sơn La  - Hà Nội, hầu hết các tỉnh còn lại chưa thực hiện do hai đầu đi và đến chưa thống nhất được phương án. Trong khi các nhà xe chờ dài để hoạt động lại, thì các nhóm xe ghép lại xuất hiện, lấy đi lượng khách vốn trước đây quen đi xe khách.

Sau hơn 5 tháng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, các nhà xe trên địa bàn, đặc biệt là các nhà xe chạy tuyến Điện Biên – Hà Nội đều đang mong mỏi từng ngày được lưu thông lại để có kinh tế chi trả lãi ngân hàng, cũng như các khoản phí khác bị thiệt hại do thời gian không được lưu thông.

Các nhà xe chạy tuyến Điện Biên – Hà Nội mong mỏi từng ngày được lưu thông lại 

Riêng nhà xe của ông Đ.V.Đ - chủ một nhà xe chạy tuyến Điện Biên – Hà Nội, mỗi tháng phải trả lãi 10 triệu đồng/tháng cho ngân hàng cũng như các chi phí khác về bảo dưỡng, bến đỗ, phí đường bộ, đăng kiểm… khiến kinh tế gia đình trở nên kiệt quệ.

Trong quãng thời gian các xe khách đăng ký không được lưu thông thì vẫn tồn tại sự cạnh tranh không công bằng khi xuất hiện các xe “dù” mang biển kiểm soát màu trắng, bắt khách chạy với tư cách cá nhân, gia đình đi về các tỉnh thành miền xuôi, gây ức chế, thiếu công bằng với các nhà xe đang phải nằm dài chờ lưu thông.

Ông Đ.V.Đ cho biết: Chỉ cần vào facebook là sẽ có những xe ghép mà họ đăng điện một phát là họ nhận khách họ đi luôn. Ở Điện Biên xuống khoảng từ 1,5-2 triệu đồng, ở dưới lên thì từ 2,5-3 triệu đồng/người. Toàn bộ xe con biển trắng hết, đi như kiểu gia đình.

Để hoạt động vận tải hành khách công cộng được hiệu quả, góp phần đưa cuộc sống bình thường trở lại thì theo một số đơn vị vận tải, thủ tục kiểm soát dịch bệnh đối với hoạt động vận tải hành khách phải bớt rườm rà hơn.

Đại diện các doanh nghiệp vận tải tại Lai Châu cho biết, hiện nay nguyên nhân các nhà xe không muốn chạy là do không đảm bảo được doanh thu và phải bù lỗ khi hoạt động.

Thủ tục kiểm soát dịch bệnh hiện nay đối với hoạt động vận tải hành khách vẫn rườm rà, nên cũng chỉ có hành khách có việc thực sự cần thiết mới ra khỏi địa bàn. Yêu cầu quản lý dịch đối với hành khách của mỗi địa phương cũng khác nhau, nên hành khách có tư tưởng "ngại" đi làm thủ tục và các loại giấy xét nghiệm.

Ông Phạm Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Ngân Hà, Lai Châu cho biết: Để từng bước mở ra hoạt động vận tải hành khách cố định chúng tôi kết nối các điểm vùng xanh với vùng xanh trước thực hiện khai báo y tế điện tử, mục đích là để giảm thiểu sự va chạm giữa công dân A với công dân B tại các điểm chốt kiểm soát phòng, chống dịch.

Hiện tại, Bộ Giao thông - Vận tải cho hoạt động 50% số chuyến thì mới chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại của những công dân có việc cần thiết, chứ chưa đảm bảo được doanh thu hay lợi nhuận cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải.

Từ thực tế trên, ông Đinh Đăng Khoa, Phó Giám đốc Công ty Vận tải thủy bộ Yên Bái đề xuất: Một trong những khó khăn nhất khi hoạt động trở lại là hoạt động chống dịch của các địa phương chưa đồng bộ theo Nghị quyết 128 của Chỉnh phủ và quy định của Bộ Y tế, cũng như hướng dẫn của Bộ Giao thông mới nhất. Công ty chúng tôi nhiều doanh nghiệp vận tải mong muốn Bộ Giao thông vận tải có chỉ đạo các địa phương thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp.

Đối với các tỉnh  miền núi Tây Bắc, hoạt động vận tải hành khách đường bộ là vô cùng quan trọng. Người dân các địa phương trong khu vực vẫn đang mong chờ việc đi lại được thuận tiện hơn trong thời gian tới./.

 

Nhóm phóng viên VOV Tây Bắc

 

 

Thu Ha bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC