Thích ứng an toàn, cà phê Tây Nguyên tiếp tục nâng cao giá trị
Thứ tư, 16:24, 10/11/2021 Thu Ha bt Thu Ha bt
VOV4.VN – Trước những thách thức do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid- 19, cà phê Tây Nguyên đã vượt qua được nhiều chặng đường khó khăn, chứng tỏ được giá trị của mình, tiếp tục là một trụ cột kinh tế-xã hội của khu vực.

 

Trong bộn bề nỗi lo nhân công thu hái và nỗi lo đảm bảo an toàn cho sản xuất trong cao điểm vụ cà phê mới, các thành viên của Hợp tác xã Thương mại Phượng Hoàng, ở xã Ia Nan, huyện Đức Cơ Gia Lai vẫn rất tự tin.

Ông Nguyễn Tấn Duy- Giám đốc HTX cho biết, đơn vị vừa tổ chức họp 18 tổ liên kết sản xuất, thành lập các nhóm online để chia sẻ thông tin về biến động lịch thu hái; liên hệ với một số doanh nghiệp tại địa phương có công nhân đang nghỉ để ký hợp đồng thuê nhân công; lên phương án chi tiết về điều động nhân lực-phương tiện vận tải.

Ông Duy tin rằng, với sự chuẩn bị chu đáo như vậy, việc thu hái 550 héc ta cà phê của HTX sẽ không bị gián đoạn. Hợp tác xã họp các tổ sản xuất để tương tác với nhau. Ví dụ tổ A có diện tích thu hái thiếu nhân lực thì phối hợp với tổ B, tổ C thu hái, chuyển nhân lực qua. Thứ hai là sẽ cho phương tiện vận tải trực tiếp tới từng vườn để hỗ trợ thu hái, giảm chi phí cho bà con nông dân. Nhìn chung là có sự vận dụng đa dạng,  xã này sang xã kia, tương tác, hỗ trợ nhau trong quá trình thu hái”.

Theo tính toán của người trồng, mỗi hécta cà phê cần khoảng 60 công lao động để thu hái, chi phí hết khoảng 10 triệu đồng. Vụ cà phê 2021-2022 này, Tây Nguyên cần 35 triệu công lao động để thu hái khoảng 600 nghìn ha cà phê, là thách thức không nhỏ trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tăng nhanh.

Thế nhưng, với hàng trăm nghìn nhân công trở về từ các tỉnh phía Nam, thách thức đang được các tỉnh chuyển hóa thành cơ hội. Thu hái cà phê sẽ trở thành bước đệm rất tốt giúp số lao động này có việc làm và thu nhập, giữ lại 600 tỷ đồng tiền công để điều hòa an sinh xã hội trong 2 tháng mùa vụ sắp tới.  

Thu hái hoàn toàn thủ công, Tây Nguyên cần thêm hàng chục triệu công lao động cho mỗi mùa vụ

Tại Đăk Hà, huyện có diện tích cà phê lớn nhất tỉnh Kon Tum cho biết, việc sản xuất và thu hoạch cà phê đã được tổ chức tốt hơn, bài bản hơn, nên có thể nhanh chóng đưa ra các phương án xử lý những khó khăn phát sinh. Từ cách đây 3 tuần, huyện đã triển khai phương án cụ thể, giải quyết việc thu hoạch 10 nghìn héc ta cà phê trên địa bàn.

Ông Nguyễn Ngọc Trang, Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà, cho biết: Sau khi cân đối, toàn huyện vẫn còn thừa lao động, vì vậy, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch điều tiết tập trung tuyên truyền, vận động số lao động trong độ tuổi lao động phải đi thu hái cà phê. Chỉ đạo các xã thành lập các tổ thu hái cà phê ở dưới khu dân cư.

Huyện cũng vận động bà con thực hiện vần công, đổi công. Nếu làm tốt công tác tuyên truyền vận động, để số lao động hiện có của huyện ra tiến hành thu hái cà phê hết thì huyện đảm bảo được việc thu hái cà phê cho niên vụ 2021.

Vượt khó và tích cực đổi mới là lộ trình dài mà cà phê Tây Nguyên đã trải qua trong 15 năm qua. Hiện tại, cà phê Tây Nguyên đã có nền tảng vững chắc, với bộ giống mới năng suất cao, phẩm chất vượt trội; lịch thu hái được lùi lại - thuận lợi cho phơi sấy và chế biến cùng với hệ thống thiết bị sàng tuyển - kho bãi đồng bộ.

Với Công ty TNHH MTV Vĩnh Hiệp- một doanh nghiệp đầu tư cà phê lớn ở tỉnh Gia Lai, dựa trên những nền tảng đó, doanh nghiệp cà phê đã chống chịu được tình trạng đứt gãy kho vận gây ra bởi dịch Covid-19 trong thời gian qua, vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh, vừa giữ an toàn phòng dịch, đưa ngành cà phê tiếp tục lớn mạnh.

9 tháng của năm 2021, mặc dù sản lượng xuất khẩu cà phê giảm 5,4% nhưng trị giá xuất khẩu vẫn tăng 3,2% so cùng kỳ 2020. Cà phê Tây Nguyên đang mạnh lên từng năm với việc mở rộng các liên kết sản xuất cà phê có chứng nhận quốc tế và cà phê đặc sản.  

Vì vậy, cùng với gia tăng giá trị kinh tế - xã hội, việc sản xuất cà phê còn cải thiện được vị thế trên thị trường thế giới, đảm bảo phát triển bền vững. Động lực cho sự vươn lên ấy là sự gắn kết ngày càng chặt chẽ giữa Nhà nông, doanh nghiệp và Nhà nước:

Ông Thái Như Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH MTV Vĩnh Hiệp cho biết: Người nông dân thay đổi rất nhanh và tổ hợp tác luôn luôn vận hành với yêu cầu của đầu ra; chấp nhận thay đổi để sẵn sàng cùng với doanh nghiệp để chia sẻ, đẩy sản phẩm cà phê của địa phương lên cao hơn, nâng tầm quốc gia Việt Nam về cà phê.

Đó là một trong chiến lược chuẩn bị rất lâu. Đây là nhờ nỗ lực từ chính quyền địa phương, các sở, ban ngành đã hỗ trợ, luôn đồng hành giúp chúng tôi và người nông dân phát triển bền vững sạch và xanh.

Tây Nguyên đang bước vào niên vụ cà phê mới với giá cà phê tăng 5 nghìn đồng/1kg so với cùng kỳ năm ngoái, đạt trên dưới 41 nghìn đồng/1kg. Đây là tin lành cổ vũ người sản xuất kinh doanh cà phê kiên định với lộ trình phát triển.

Những diễn biến về nguồn cung cà phê toàn cầu cho thấy, mức giá này có thể được giữa vững hoặc sẽ tiếp tục tăng cao hơn. Và như vậy, với sản lượng dự kiến khoảng 1,64 triệu tấn, người trồng cà phê Tây Nguyên vụ này có thu nhập nhiều hơn vụ trước 8 nghìn 200 tỷ đồng. Thích ứng thành công với những khó khăn, cà phê Tây Nguyên đang tiếp tục nâng cao giá trị của mình./.

 

Đình Tuấn/VOV Tây Nguyên

 

 

 

Thu Ha bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC