Thoát nghèo nhờ nguồn vốn chính sách
Thứ sáu, 10:57, 11/10/2024 Nguyễn Thảo/VOV Tây Nguyên Nguyễn Thảo/VOV Tây Nguyên
VOV4.VOV.VN - Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách, tổng dư nợ từ nguồn vốn này tại tỉnh Gia Lai tính đến tháng 6/2024 đã đạt trên 7.600 tỷ đồng. Qua đó, hơn 156.500 hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách đã được vay vốn để sản xuất, đời sống được nâng cao rõ rệt. Bên cạnh đó, nguồn vốn chính sách cũng là nguồn lực đáng kể để Gia Lai thực hiện các dự án thiết yếu ở địa bàn nông thôn.

Trong căn nhà 70m² đã hoàn thiện phần thô và đang chuẩn bị bước vào giai đoạn hoàn thiện ở làng Bôn Chơ Ma, xã Ia Trôk, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai, chị Siu Shin Cha, 25 tuổi, vui rạng rỡ. Chị chia sẻ, ngôi nhà đánh dấu bước ngoặt kinh tế của gia đình, từ diện hộ nghèo đến thoát nghèo thực sự.  Theo chị Siu Shin Cha, cơ hội đã đến với gia đình từ  năm 2020, khi vay được 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội.

"Nhờ khoản tiền vay này mà gia đình có điều kiện phát triển kinh tế. Gia đình mua thêm 2 con bò sinh sản nuôi được 8 con rồi và mới xây thêm nhà kiên cố. Nhờ tiền bán bò mà gia đình có tiền sản xuất, trồng thêm thuốc lá, mua xe công nông." - Chị iu Shin Cha nói.

Hành trình thoát nghèo của gia đình ông Rơ Chăm Hà, sinh năm 1962, ở thôn Hbel, xã Ia Kdăm cũng được nâng đỡ nhờ nguồn vốn chính sách. Gia đình gồm 5 nhân khẩu của ông chỉ có căn nhà 24m² được xây từ tiền hỗ trợ và 2 sào lúa. Mọi chi tiêu phụ thuộc vào công việc làm thuê bấp bênh. Quyết tâm thoát nghèo, năm 2021, ông Hà mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội thông qua tổ tín dụng trong xã. Ông dùng số tiền đó để mua 2 con bò và tận dụng đất trống quanh nhà trồng cỏ. Phần còn lại ông thuê thêm đất trồng sắn để tăng thu nhập. Giờ đây, ông Hà không chỉ thoát nghèo mà còn có cuộc sống tốt đẹp hơn.

"Đầu tiên, tôi mua 6 con heo, trong lúc nuôi cũng chết 1 nửa. Sau đó tôi đi mua lần thứ hai nuôi tăng đàn 18 con. Khi bán, tôi có tiền xây nhà, mua thêm 4,4 sào đất để có đất trồng trọt, có lúc trồng lúa, trồng thuốc lá. Thu nhập gia đình tạm ổn, có tiền lo cho con cái sau này nữa.” - Ông Rơ Chăm Hà kể.

Tại huyện Ia Pa, hiện còn gần 2.200 hộ nghèo, đa số là các hộ dân tộc thiểu số. Để đảm bảo 100% hộ nghèo được vay vốn ưu đãi, 168 tổ tiết kiệm và vay vốn tại 9 điểm giao dịch đã triển khai bình xét và hỗ trợ người nghèo tiếp cận vốn vay, hoàn thiện thủ tục. Từ năm 2021 đến nay, đã có 6.610 hộ tại huyện thoát nghèo nhờ sử dụng hiệu quả vốn vay chính sách.

Ông Trần Ánh Tôn, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Ia Pa, Gia Lai cho biết: “Phòng giao dịch đã tập trung ưu tiên nguồn vốn cho 3 chương trình giảm nghèo, hỗ trợ hộ nghèo và cận nghèo thoát nghèo. Đảm bảo các đối tượng không bị thiếu vốn, khi có yêu cầu và đủ điều kiện, phòng sẽ ưu tiên cho hộ đồng bào tiếp cận vốn nhanh và kịp thời để đầu tư sản xuất kinh doanh tại địa phương. Tính đến nay, tổng dư nợ của 3 chương trình thoát nghèo tại phòng đã đạt trên 166 tỷ đồng với 3.900 lượt hộ vay, chiếm tỷ lệ 36,7% tổng dư nợ.”

Trong 10 năm tỉnh Gia Lai  thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW năm 2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách, đã có 156.000 lượt hộ nghèo ở tỉnh được vay vốn, tổng cộng 7.600 tỷ đồng. Từ đó, 55.600 hộ đã thoát nghèo. Vốn chính sách xã hội cũng cũng là nguồn lực quan trọng để Gia Lai xây dựng hơn 242.000 công trình nước sạch và hơn 3.000 căn nhà cho hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn. Theo đánh giá của tỉnh ủy Gia Lai, tín dụng chính sách là “đòn bẩy mềm” giúp đối tượng chính sách và người yếu thế ở tỉnh phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, góp phần giảm nghèo bền vững. Đây cũng vẫn là nguồn lực quan trọng trong thời gian tới, đóng góp vào xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở tỉnh Gia Lai.

Nguyễn Thảo/VOV Tây Nguyên

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC