Thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn ở Kon Tum
Thứ ba, 14:04, 13/08/2024 Nguyễn Khoa Điềm/VOV Tây Nguyên Nguyễn Khoa Điềm/VOV Tây Nguyên
VOV4.VOV.VN: Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện quyết định 749 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi số quốc gia, tỉnh Kon Tum đạt một số kết quả nhất định, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp- nông thôn. Tỉnh đang nỗ lực tháo gỡ các rào cản để chuyển đổi số nhanh hơn nữa, hướng tới xây dựng nông nghiệp thông minh, nông thôn hiện đại.

Sau hơn 2 năm triển khai Quyết định 749 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay 60% hồ sơ cấp xã của tỉnh Kon Tum đã được xử lý trên môi trường mạng, đạt mục tiêu đề ra đến năm 2025. Ngoài ra, hơn 16.800 ha cây trồng, 142 trang trại được áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ; hơn 116.600 hộ sản xuất nông nghiệp lên các sàn thương mại điện tử; mô hình thôn 3, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy đảm bảo đủ điều kiện thôn thông minh… Tuy nhiên, theo ông Đặng Trần Huân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kon Tum, tỉnh vẫn đang đối diện nhiều thách thức khi thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới.

Ông Đặng Trần Huân cho biết: “Việc nhận thức về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới là không đồng đều. Kỹ năng và kiến thức của công chức thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số còn hạn chế. Cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ thông tin tại một số xã chưa đáp ứng với yêu cầu và nhiệm vụ chuyển đổi số”.

Với 68% dân số của tỉnh sinh sống ở địa bàn nông thôn và 73% lao động trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, tỉnh Kon Tum xác định chuyển đổi số là giải pháp quan trọng để phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại giúp người nông dân sản xuất với chi phí thấp nhất nhưng đạt lợi nhuận cao nhất.

Theo ông Đặng Thanh Long, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Kon Tum, do điều kiện kinh tế- xã hội còn khó khăn, việc chuyển đổi số ở lĩnh vực nông nghiệp và khu vực nông thôn của tỉnh trước hết cần vượt qua các rào cản, đó là mức độ cơ giới hóa thấp, ít công nghệ, các hoạt động canh tác, sản xuất vẫn còn được thực hiện dựa trên kinh nghiệm của nông dân…

Đề cập giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp hướng đến phát triển nông thôn thông minh, ông Đặng Thanh Long, cho biết: “Trước hết đó là về công tác thông tin tuyên truyền để thấy rõ được vị trí, vai trò, tầm quan trọng và áp lực của chuyển đổi số trong phát triển kinh tế nông nghiệp đây là một xu thế tất yếu. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kể cả các chủ thể sản xuất, gồm các hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp và bản thân đội ngũ cán bộ những người tham gia trong quá trình thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp. Xây dựng cơ sở, nền tảng xã hội số và dữ liệu số. Sự đồng hành và vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, của các doanh nghiệp vào trong sản xuất”.

Đến nay tỉnh Kon Tum đã có 48/86 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 7 xã nông thôn mới nâng cao và 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Cùng với đó tỉnh cũng đã có 21 thôn đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, 65/498 thôn, làng dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là một trong những nền tảng quan trọng để tỉnh thực hiện các giải pháp mới, sáng tạo và phù hợp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp và phát triển nông thôn thông minh./.

Nguyễn Khoa Điềm/VOV Tây Nguyên

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC