(VOV4) - Hệ lụy rõ nét nhất đối với đời sống văn hóa, nghệ thuật của đồng bào dân tộc thiểu số vùng tái định cư thủy điện là không gian sống bị thu hẹp; rừng bị tàn phá nghiêm trọng khiến văn hóa rừng bị phá vỡ; cuộc sống ở nơi tái định cư gặp nhiều khó khăn nên không có điều kiện quan tâm đến việc giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống…
Tính đến hết năm 2015, toàn vùng Tây Nguyên, gồm 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông và Lâm Đồng có 190 công trình thủy điện lớn nhỏ đã và đang được xây dựng. Để xây dựng các công trình thủy điện này, khoảng 12.000 hộ gia đình phải di dời tới các khu tái định cư, diện tích đất bị thu hồi là 30.000ha.
Tại thành phố Kon Tum, Vụ Văn hóa Dân tộc- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum vừa tổ chức Hội nghị- Hội thảo với chủ đề: “Xây dựng mô hình điểm nâng cao đời sống văn hóa, nghệ thuật đồng bào dân tộc thiểu số vùng di dân tái định cư thủy điện khu vực Tây Nguyên”.
Nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên Linh Nga Niê Kdam phát biểu tại Hội thảo
Các ý kiến tham gia Hội nghị- Hội thảo đều cho rằng các dự án thủy điện ở khu vực Tây Nguyên đã góp một phần không nhỏ vào việc cung cấp điện năng cho quốc gia, song cũng tạo ra nhiều hệ lụy gây tranh cãi cả về mặt môi trường, xã hội, đời sống, văn hóa…
Theo Nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên Linh Nga Niê Kdam, để nâng cao được đời sống văn hóa, nghệ thuật của bà con dân tộc thiểu số tại những vùng di dân tái định cư các công trình thủy điện ở khu vực Tây Nguyên, trước hết phải bảo tồn và phát huy được vốn văn hóa truyền thống. Mà muốn làm được điều này, cần có chính sách đặc thù và ổn định được cuộc sống cho người dân:
"Tôi cho rằng đối với Tây Nguyên và vùng miền núi phía Bắc, vùng dân tộc, phải có chính sách đặc thù để tăng cường đội ngũ cán bộ văn hóa là người dân tộc tại chỗ. Theo tôi, vấn đề nan giải nhất đối với dân di cư và tái định cư chính là thiếu đất sản xuất cho nên đói. Dân chưa no thì khó có thể quay lại được với văn hóa truyền thống”
Khoa Điềm/VOV-Tây Nguyên
Viết bình luận