Toul Mohamad - Người thầy lặng lẽ
Thứ sáu, 00:00, 03/03/2017

VOV4.VN - Bên tấm bảng đen, đôi bàn tay thô ráp từng ngày nắn nót chữ Chăm dạy cho con em. Ông Mohamad suốt 9 năm dạy chữ Chăm không lấy một đồng thù lao của người học.

 

Quê ở làng Chăm tỉnh An Giang, năm 1978, ông Toul Mohamad (60 tuổi) chuyển về phường Bình An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương, lập nghiệp và định cư cho đến nay.

 

Từ nhỏ, Toul Mohamad đã học việc thực hiện nghi lễ tôn giáo của người Chăm theo đạo Hồi như  sampahyang. Điều ông trăn trở là những di sản văn hóa phi vật thể dân tộc Chăm đang dần mai một theo thời gian.

 

Toul Mohamad đang giảng giáo lý


Phường Bình An có hơn 20 hộ người Chăm sinh sống. Hầu hết bà con ở đây đều không biết chữ Chăm. Ông đã mở lớp dạy chữ Chăm cho đồng bào Chăm trong khu phố. Căn nhà nhỏ, cũ kỹ chỉ vừa đủ cho gia đình sinh hoạt, ông dành cả phòng khách để  làm nơi sinh hoạt tôn giáo và dạy học chữ Chăm cho đồng bào Chăm ở Dĩ An.

Trên tường, hai tấm bảng in đậm nét chữ Chăm loằng ngoằng của vị Toul (người thầy) này. Hàng chục cuốn sách tiếng Chăm được ông xếp gọn gàng trên kệ để phục vụ cho học trò.

 

Ông Toul Mohamad trong giờ dạy học


Lớp học bắt đầu vào lúc 19h00 mỗi ngày, chỉ kéo dài từ 45 phút đến 1 tiếng. Không chỉ các em nhỏ, có người 30, 40 tuổi cũng đến học. Theo học chữ Chăm với Toul Mohamad được 1 năm, Sakinah (26 tuổi) đã biết đọc, biết viết. Sakinah học chữ Chăm để hiểu về văn hóa của mình. Từ nhỏ đã được học tiếng phổ thông, còn tiếng Chăm, Sakinah chỉ biết nói, không thể viết được.

“Ở phường này, chỉ có một mình Toul Mohamad biết chữ Chăm rồi mở lớp dạy cho con cháu như chúng tôi. Ông dạy bằng tâm huyết, dù hoàn cảnh rất khó khăn nhưng không hề nhận một đồng bồi dưỡng của chúng tôi. Chúng tôi rất biết ơn ông, mong sao ông luôn mạnh khỏe" - Sakinah nói.

 

Nhờ lớp học của Toul Mohamad, hầu hết con cháu người Chăm tại Dĩ An đã biết đọc, biết viết chữ Chăm. Hơn 9 năm dạy chữ Chăm, Toul Mohamad tâm sự: “Tôi rất mừng vì việc làm của mình đã giúp cho đồng bào Chăm biết chữ Chăm. Có chữ viết rồi, văn hóa Chăm sẽ được lưu truyền bền vững. Tôi chỉ mong những thế hệ tôi trao truyền dạy lại cho thế hệ mai sau để không bị mai một”.

Ngoài dạy chữ Chăm, Toul Mohamad còn vun đắp đạo lý, đạo đức làm người để con cháu người Chăm trở thành người có ích cho xã hội. Vào thứ Sáu hàng tuần, ông tổ chức dạy giáo lý cho đồng bào mình. Ngoài việc truyền dạy Hukum- tức là giáo luật của người Chăm, lề lối của tôn giáo, ông vận động bà con trong cộng đồng sống đẹp với xã hội, hài hòa giữa đạo và đời.


 

 

Aí Nghiêm/VOV-TP.HCM

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC