Cứ mỗi dịp hè, gia đình chị Vạn Thị Hoa, ở thôn Hiếu Lễ, xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước, lại lo lắng vì không có nơi vui chơi cho trẻ. Ngoài những ngày đi học thêm, các con của chị dúi mắt vào tivi. Thỉnh thoảng, vào ngày cuối tuần hay có dịp đi xuống thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, chị Hoa cố gắng chở con đến các khu vui chơi.
Chị Hoa chia sẻ: “Nói chung, khu vui chơi cho trẻ em ở vùng nông thôn là không có, chủ yếu tập trung ở huyện và tỉnh. Gia đình nào khá giả thì mới có điều kiện cho con đi chơi, còn gia đình nông dân bình thường thì không, hầu như là lo đi làm ăn”.
Trẻ em thành thị được phụ huynh đưa đi tắm biển Ninh Thuận
Không riêng gì gia đình chị Hoa, việc thiếu sân chơi lành mạnh, an toàn cho trẻ vẫn là điều các bậc cha mẹ người Chăm ở huyện Ninh Phước trăn trở khi mùa hè đến. Thiếu điểm vui chơi dẫn đến không ít những trường hợp trẻ tự đi chơi, rồi tụ tập thành từng nhóm ra sông suối, bị đuối nước hoặc những tai nạn đáng tiếc xảy ra mà không có sự kiểm soát của phụ huynh.
Theo bà Trần Thị Yến Thu, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thuận, năm 2016 và đầu năm 2017, xã đã có 4 trẻ chết do đuối nước. Chính quyền địa phương xã đang trong giai đoạn rà soát, tìm quỹ đất để xây dựng khu vui chơi lành mạnh cho các em.
Bà Yến Thu cho biết: "Với việc xây dựng sân chơi lành mạnh cho các em thì địa phương đang xây dựng cho các em 1 sân chơi tại thôn Thuận Hòa là lấy từ chợ cũ. Riêng tại thôn Hiệp Hòa thì lấy sân phơi lúa để tạo sân chơi cho các em".
Chính quyền cắm biển cấm, trẻ em cứ tắm sông
Theo yêu cầu của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, thì việc quy hoạch xây dựng nhà văn hóa cộng đồng phải có sân thể thao, sân vui chơi giải trí để làm nơi sinh hoạt, nâng cao đời sống cho người dân. Nhưng đến nay, không ít địa phương ở tỉnh Ninh Thuận, nhà văn hóa được xây dựng khang trang, chủ yếu phục vụ hội họp, sinh hoạt của người dân, còn hoạt động cho thiếu nhi rất ít vì không có đồ chơi, dụng cụ, sách báo... Một số nơi có tủ sách, thư viện thì chủ yếu là sách báo cũ, đầu sách dành cho thiếu nhi nghèo nàn, lại không mở cửa thường xuyên.
Hiện nay, một số địa phương đang có sáng kiến mời gọi các doanh nghiệp đầu tư kinh phí để xây dựng các điểm vui chơi lành mạnh, an toàn cho thiếu nhi tại địa phương theo hình thức xã hội hóa. Tuy nhiên, phương án này vẫn chưa được sự đồng thuận, ủng hộ cao.
Hiện nay, Ninh Thuận có trên 10 nhà thiếu nhi, Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi. Nhưng chủ yếu chỉ thiếu nhi ở những khu vực thành thị, gần các điểm vui chơi này mới được với các hoạt động vui chơi giải trí do những đơn vị này tổ chức. Các em thiếu nhi ở vùng nông thôn, hầu như là không có điểm vui chơi giải trí.
Thúy Linh/VOV-TP.HCM
Viết bình luận