Gia đình ông Kiều Thượng Chất ở xóm Phượng Hoàng, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai là một trong 10 hộ dân tham gia mô hình. Trước đây, cũng như những người dân trong vùng, việc trồng na được thực hiện theo cách truyền thống, thu hoạch quả chỉ tập trung trong một thời gian ngắn, khoảng hơn 1 tháng. Khi đó, ông luôn tự đặt cho mình câu hỏi: “Tại sao những vùng na như Chi Lăng-Lạng Sơn, hay Lục Nam-Bắc Giang thâm canh na rải vụ rất tốt, trong khi khí hậu và thổ nhưỡng những khu vực này đều tương đồng?” Từ những trăn trở này, năm 2019, ông đã tự nghiên cứu để làm na rải vụ. Nhưng do không nắm được kỹ thuật, chủ yếu dựa theo kinh nghiệm bản thân, nên ở vụ trái này, quả na thu hoạch thường bị sượng, dẫn đến hiệu quả không cao.
Sau khi tham gia mô hình, ông được hỗ trợ vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư thực hành ô thí nghiệm và được tham gia các lớp tập huấn, đi thực tế tại những mô hình làm hiệu quả… Sau đó, trên diện tích gần 1 ha đất đồi, ông trồng khoảng 400 cây na. Trước đây, khi làm na chính vụ, sản lượng na của gia đình ông đạt gần 6 tấn/năm. Sau gần 2 năm thí điểm trồng na rải vụ, sản lượng na của gia đình ông đã tăng lên hơn 7 tấn/năm. Điều đáng nói là quả na thu hoạch ở vụ sớm và muộn đều có mẫu mã to, đẹp, chất lượng tốt, trung bình từ 3-4 quả/1 kg, có quả nặng đến 500g và giá bán cao hơn gấp 2 lần so với na chính vụ. Hạch toán sơ bộ cho thấy, na rải vụ thu lãi cao hơn so với sản xuất thông thường khoảng hơn 60 triệu đồng/ha. Từ thành công này, năm ngoái, ông chuyển toàn bộ diện tích trồng na theo hình thức rải vụ.
Ông Chất chia sẻ: “Trồng na rải vụ cần chủ động nguồn nước tưới, cộng với áp dụng đúng khoa học kỹ thuật và tỉa thưa quả hợp lý sẽ cho chất lượng quả rất cao. Na rải vụ cho thu hoạch quả từ tháng 8 đến đầu tháng 12. Làm na rải vụ, mỗi năm gia đình tôi thu về khoảng 250 triệu đồng lợi nhuận, tăng gần 40% so với canh tác theo cách thông thường”.
Xã Phú Thượng hiện có khoảng 5 ha trồng na rải vụ. Trong đó có 1,5 ha nằm trong mô hình triển khai của Trung tâm Khuyến nông. Có thể nói, điều kiện khí hậu, đất canh tác trên núi đá vôi ở Phú Thượng rất phù hợp cho thâm canh cây na.
Ông Trần Hữu Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thượng cho biết, na rải vụ đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định cho người dân trong xã. Hướng đi tiếp theo của xã là sẽ định hướng xây dựng điểm du lịch kết hợp với trồng na; trong đó sẽ vận động người dân xây dựng cải tạo đường vào, các điểm checkin trong vườn na, thu hút khách du lịch, tạo thị trường lớn hơn cho sản phẩm na, mang lại thu nhập cho người dân.
Huyện vùng cao Võ Nhai có diện tích đất nông nghiệp chiếm khoảng hơn 93% tổng diện tích đất tự nhiên. Võ Nhai cũng là địa phương được tỉnh Thái Nguyên lựa chọn nằm trong vùng quy hoạch phát triển cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao của tỉnh. Cây na được trồng ở khắp các xã, với tổng diện tích gần 400 ha, tập trung nhiều ở các xã La Hiên, Lâu Thượng, Liên Minh… Năm 2018, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã cấp bằng công nhận Nhãn hiệu tập thể Na La Hiên.
Ông Nguyễn Đình Thông, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên cho biết, việc thực hiện mô hình “Ứng dụng khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình thâm canh cây na rải vụ” tại huyện Võ Nhai nhằm hướng tới một nền nông nghiệp phát triển bền vững, nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm nông nghiệp nói chung và sản phẩm na nói riêng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, mang lại giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất trồng cây ăn quả, tạo việc làm nâng cao đời sống của người nông dân, tạo hướng đi mới thông qua việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất kết hợp với liên kết và tiêu thụ sản phẩm.
Có thể khẳng định, việc trồng na rải vụ sẽ giúp cho nông dân kéo dài thời gian thu hoạch, khắc phục tình trạng “được mùa, mất giá”, mở ra hướng đi mới nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn miền núi./.
Viết bình luận