Mở đầu câu chuyện, anh Giàng A Tráng ví dụ về những hủ tục trong đám ma cách đây chỉ vài năm. Đó là đồng bào Mông vẫn giữ tục để người chết trong nhà thời gian dài, “được ngày, được giờ” mới chôn cất; tại đám hiếu, bất cứ đoàn nào đến viếng cũng phải bày cỗ mời cảm tạ...
Năm 2020, Mào Sao Phìn thí điểm mô hình cải tạo hủ tục và được nhiều người đồng thuận. Anh Giàng A Tráng phối hợp với các tổ chức đoàn thể trong thôn đến từng nhà tuyên truyền, vận động, dần dần người dân hiểu và làm theo. Cách tuyên truyền là trực tiếp tại các cuộc họp thôn và lồng ghép trong các buổi giao lưu, bữa cơm gặp gỡ mà anh Tráng được các hộ mời đến dự.
Kết quả là từ năm 2020 đến nay, thôn Mào Sao Phìn không có trường hợp kết hôn cận huyết thống, duy nhất 1 trường hợp có ý định tảo hôn và được ngăn chặn kịp thời. Trong các đám ma, đám cưới không còn tình trạng ăn uống kéo dài ngày. Người quá cố không để trong nhà quá 48 tiếng. Mô hình cải tạo hủ tục của Mào Sao Phìn được cấp ủy đảng, chính quyền địa phương nhân rộng ra các thôn khác.
Anh Giàng A Tráng tâm sự: Để người dân tin, bản thân trưởng thôn phải gương mẫu, đi đầu trong mọi vấn đề được triển khai, khi người dân thấy hiệu quả, phù hợp sẽ làm theo.
Anh Giàng A Tráng cũng tích cực lao động, sản xuất, trở thành tấm gương lao động giỏi của thôn. Gia đình anh nuôi đàn lợn thịt 20 con, đàn vịt đẻ trứng 20 con và tích cực trồng rừng. Thu nhập mỗi năm đạt khoảng 100 triệu đồng. Từ mô hình phát triển kinh tế của gia đình anh Tráng, nhiều hộ trong thôn đã học tập và làm theo./.
Viết bình luận