Từ những vụ tự tử bằng lá ngón, nghĩ về giáo dục kỹ năng sống cho học sinh vùng cao
Thứ năm, 00:00, 13/04/2017 Thu Hòa biên tập bài Thu Hòa biên tập bài

VOV4.VN - Nạn tự tử bằng lá ngón từ lâu đã báo động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Không ít nạn nhân tìm đến cái chết bằng lá ngón ở tuổi đời rất trẻ. Một số là học sinh ở các trường nội trú.

 

Dưới góc độ của những người quản lý giáo dục, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh là một trong 5 nội dung được Bộ Giáo dục - Đào tạo triển khai khi thực hiện phong trào thi đua xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

 

Cùng với gia đình, nhà trường đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Các nhà trường đã chuyển hướng từ trang bị kiến thức là chủ yếu sang trang bị những năng lực cần thiết cho học sinh với quan điểm: “Học để biết, học để làm, học để tự khẳng định mình và học để cùng chung sống”.

 

 

Tất cả các bộ phận của cây lá ngón đều có độc. Ảnh: baomoi.com

 

Qua nhiều vụ việc thanh thiếu niên tự tử bằng lá ngón, chính quyền nhiều địa phương đã chỉ đạo ngành giáo dục rút kinh nghiệm triệt để trong việc quản lý, giáo dục học sinh, nhất là những học sinh cấp I, cấp II ở nội trú. Các nhà trường quán triệt các thầy, cô giáo phối hợp với phụ huynh trang bị cho học sinh kiến thức sống và những điều trẻ không nên làm, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

 

Ông Vàng A Hờ, Phó chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên, cho biết: "Chúng tôi thường xuyên làm công tác tuyên truyền, kể cả lãnh đạo, kể cả cán bộ chuyên môn và chúng tôi cũng giao cho các cháu lớn ở các trường phổ thông tuyên truyền cho các em nhỏ tuổi hơn, tuyên truyền cho bố mẹ, người nhà ở quê để họ hiểu về tác hại của lá ngón. Chúng tôi chỉ đạo ngành y tế làm tốt công tác cấp cứu và tuyên truyền cho người dân hiểu khi phát hiện ra người ăn lá ngón thì phải nhanh chóng đến bệnh viện chứ không thể tự chữa ở nhà được".

 

Với học sinh các trường dân tộc nội trú lại cần một cách thức giáo dục riêng. Các em từ vùng sâu vùng xa xuống học tập và sinh hoạt tập thể, suy nghĩ bồng bột, lại mang theo rất nhiều tập tục lạc hậu từ làng bản, thiếu kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng đối phó với khó khăn... Bởi vậy, các trường dân tộc nội trú cần đưa ra nhiều hoạt động tập thể đa dạng, giúp các em hòa đồng, tự tin, đoàn kết và sẵn sàng chia sẻ cùng nhau những khúc mắc trong cuộc sống.

 

Học sinh Trường Tiểu học bán trú số II, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, Lai Châu, nhập viện do ăn lá ngón

 

Ngoài việc đưa vào chương trình chính khóa nhà trường, các buổi tập huấn chuyên đề của học sinh cũng được giáo viên lồng ghép, để học sinh hiểu được tác hại của lá ngón.

 

Ông Cư Văn Thủy, cán bộ hưu trí ở Thung Nai- Hòa Bình, nêu ví dụ thực tế: "Các bạn trẻ vùng cao có những thua thiệt hơn ở dưới xuôi vì sự tiếp xúc với phát triển văn hóa không nhiều, thứ hai là hủ tục, đồng bào Mông quê tôi và ở các vùng Tây Bắc khác vẫn có tảo hôn. Một cháu bé 14 tuổi đã phải đi lấy chồng 15 tuổi, hai đứa trẻ con lấy nhau, tôi ngăn cản nhưng không được, đó đã là điều ăn sâu vào trong đồng bào rồi. Các cháu bé như thế khi về chung gia đình có những bức xúc không giải quyết được và giải quyết theo cách của mình, cứ nghĩ kết thúc bằng lá ngón là hay. Rất đau xót...".

 

Ông Cư Văn Thủy cho rằng cần có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và các cấp các ngành ở địa phương đó: "Bố mẹ phải cho con cái biết mặt cây lá ngón như thế nào, tác hại của nó ra sao để khi đi đâu nghịch ngợm thế nào, các cháu còn nhỏ chưa biết sẽ xảy ra những chuyện không hay.  Trên vùng cao sự tuyên truyền của các cấp chưa đủ, phải cho các cháu vui chơi tập thể, sinh hoạt cộng đồng để các cháu chia sẻ giao lưu với nhau, ví dụ hè tổ chức cho các cháu đi dã ngoại cắm trại, hoặc bố mẹ cần sự quan tâm sâu sát nhiều hơn" - ông Thủy nhấn mạnh.

 

Nhìn lại những sự việc xảy ra, có thể thấy học sinh người dân tộc thiểu số đi đến quyết định tự tử tương đối dễ dàng, không tâm sự, trao đổi những băn khoăn, bức xúc với bố mẹ, anh chị em, thầy cô…

 

 

 

Thu Hòa/VOV4

Thu Hòa biên tập bài

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC