Cụ Lò Văn Mộc, năm nay 88 tuổi, người dân ở bản Đen, xã Mường Chanh còn nhớ, cách đây hơn 70 năm, Mường Chanh là mảnh đất của Phìa tạo, cướp bóc triền miên, đời sống nhân dân khổ cực trăm bề.
Cụ Mộc chia sẻ: "Thời kỳ ấy quan bản muốn tăng thuế lên bao nhiêu thì tùy quan bản. Lúc đó không có ai quan tâm đến đời sống của dân, rồi nạn hà hiếp nhau, rồi cướp bóc. Dân tình phải đi phu đi phen rất nhiều, tôi có lần đi tới 3 tháng mới về. Tình hình dân tình lúc đó rất khổ cực".
Cuối năm 1943, dưới sự chỉ đạo của chi bộ nhà tù Sơn La, tổ chức cách mạng "Mú nóm chất mương" (thanh niên cứu quốc) được thành lập tại xã Mường Chanh. Từ đó, phong trào cách mạng lan rộng tới nhiều địa phương khác của tỉnh Sơn La như: Mường Lầm, Mường La, Mai Sơn…
Ngày 23/8/1945, đội vũ trang từ Mường Chanh mang theo cờ kéo về bao vây đồi Khau Cả, cùng với đội vũ trang Mường La tham gia lật đổ chính quyền thực dân Pháp. Khởi nghĩa giành chính quyền Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công và ngày 26/8/1945, Ủy ban Cách mạng lâm thời ra mắt đồng bào, tuyên bố khởi nghĩa ở Sơn La hoàn toàn thắng lợi.
Sau khi khởi nghĩa dành chính quyền thành công, bà con nhân dân phấn khởi, ra sức nỗ lực thi đua xây dựng cuộc sống mới. Mảnh đất hào hùng năm xưa, nay trở nên sầm uất với những ngôi nhà xây kiên cố, những con đường bê tông trải dài, sạch sẽ.
Toàn xã hiện có gần 450 héc ta cà phê, gần 150 héc ta lúa; hơn 80 héc ta cây ăn quả các loại và đàn gia súc gia cầm trên 27.000 con; nhiều gia đình thu nhập từ 200-300 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 2,5%.
Ông Lò Mạnh Quyết, người dân ở bản Cang Mường, xã Mường Chanh nói: "Gia đình tôi trồng cà phê và các cây ăn quả từ năm 2010, tổng diện tích vườn 7 héc ta. Cách đây 5 năm được thu hoạch, tổng thu nhập cả năm khoảng 300-400 triệu trừ chi phí. Mình áp dụng khoa học kỹ thuật như tỉa cành thoáng cây, tỉa rút cành, lấy ít quả thì quả to, chất lượng tốt, phân bón đầy đủ. Mình sẽ cố gắng tuyên truyền bà con nhân dân cách trồng cây, chăm bón để bà con được nâng lên thu nhập về kinh tế".
Phát huy truyền thống cách mạng, chính quyền và người dân Mường Chanh hiện cũng đang tích cực gìn giữ nghề làm gốm thủ công; tập trung lưu giữ và phát triển giống lúa nếp “Tan nhe” trở thành sản phẩm nông sản đặc trưng. Hiện xã đang vận động nhân dân tiếp tục đóng góp hoàn thành và mở rộng các tuyến đường bê tông nội bản, liên bản, ngõ xóm, đường nội đồng...từ 3m lên 5,5m, 7,5m, tạo điều kiện để bà con vận chuyển nông sản, giao thương hàng hóa thuận lợi; phấn đấu năm 2025 được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và thu nhập bình quân đạt 52 triệu đồng/người/năm.
Ông Lò Văn Liêm, Chủ tịch UBND xã Mường Chanh cho biết: "Trong thời gian tới, Đảng ủy đã đặt ra mục tiêu cụ thể, thứ nhất là khôi phục lại các điểm di tích và chứng tích lịch sử của khu căn cứ cách mạng, gắn với đó là du lịch lịch sử văn hóa trên địa bàn. Tiếp tục chỉ đạo nhân dân phát triển kinh tế và phát triển cây chủ lực là cây cà phê, cây lúa; phát huy giá trị sản phẩm, xây dựng sản phẩm OCOP cho sản phẩm nếp Tan nhe".
Phát huy truyền thống vùng đất cách mạng năm xưa, Đảng bộ, chính quyền cùng nhân dân xã Mường Chanh đang tiếp tục đoàn kết, đồng tâm, đồng sức xây dựng xã, bản ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với truyền thống cách mạng hào hùng của quê hương trên vùng đất Tây Bắc của Tổ quốc./.
Viết bình luận