Gia đình bà Phạm Thị Yên, ở thôn Minh Thân, xã Đại Minh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái có 150 gốc bưởi từ vài năm đến vài chục năm tuổi. Đây là nguồn thu nhập chính của gia đình bao năm qua, là nguồn kinh phí để lo chữa bệnh cho chồng. Bà Yên dự kiến sẽ thu khoảng 120 triệu đồng trong vụ bưởi này, nhưng giờ bưởi hỏng vì cây ngập sâu trong nước nhiều ngày. Nước rút, trời nắng lên nhiều cây bị cháy lá, rụng quả và chết khô. Nhìn bưởi rụng đầy gốc, bà Yên xót xa.
"Làm ăn bình thường thì không sao, nhưng giờ chồng ốm đau bệnh tật, năm ngoái đi viện cả năm, có bao nhiêu tiền thì trút hết vào viện rồi, không biết trông ngóng vào đâu nữa. Bây giờ gia đình trắng tay chẳng còn gì, vừa phải đi vay mượn em dì 10 triệu để phòng chồng phải đi viện lại.", bà Phạm Thị Yên cho biết.
Còn gia đình ông Tạ Minh Tân, thôn Khả Lĩnh có 470 gốc bưởi, bình quân mỗi năm thu hoạch gần 500 triệu đồng. Gần 1 tuần bị ngập trong nước, 250 gốc đã bị rụng quả, nhiều cây bị rụng lá, thối rễ và đang chết dần không thể khắc phục. Ngày ngày ông Tân lụi cụi ngoài vườn chăm sóc vườn, cứu cây, nhưng chưa biết có thể cứu vãn được thế nào.
"Bây giờ không biết làm cách nào nữa, chỉ cắt bớt cành thấp đi, cành trên ngọn để lại, nếu còn sống thì chăm bón để phát triển lại, chứ chẳng nhẽ chặt bỏ luôn. Và cũng phải mất vài năm nữa mới cho quả lại.", ông Tạ Minh Tân chia sẻ.
Bưởi Đại Minh được trồng từ vài chục đến hàng trăm năm nay. Nhờ điều kiện tự nhiên thích hợp mà bưởi ở đây khác biệt với các vùng khác, vỏ mỏng, ngọt dịu, không he. Từ đời cha ông đã tương truyền là bưởi “tiến vua”.
Xã Đại Minh hiện có gần 500 ha bưởi, tuổi đời cây từ vài năm đến 60 - 70 năm tuổi, có cây đến 200 năm tuổi, bình quân mỗi năm mang về cho bà con khoảng trên 50 tỷ đồng. Do ảnh hưởng của bão số 3, gần 100 héc ta bưởi ở các thôn như: Khả Lĩnh, Minh Thân, Cầu Mơ bị thiệt hại. Hiện số diện tích bị ngập cây đang rụng lá, rụng quả và chết hàng loạt, nhiều hộ mất trắng vụ quả và chết cả cây. Bà Phạm Thị Chín, ở thôn Minh Thân cho biết: "Bưởi là nguồn thu nhập chính, vì vậy chúng tôi mong được nhà nước hỗ trợ về cây giống để khôi phục lại vườn bưởi, để có điều kiện sớm ổn định cuộc sống."
Việc trồng thay thế diện tích cây bị chết mất rất nhiều kinh phí, thời gian. Chính quyền địa phương đang phối hợp với các cơ quan chuyên môn kiểm tra, đánh giá mức độ thiệt hại để từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp. Đối với diện tích có thể cứu được thì áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc để phục hồi; đối với diện tích cây bị chết sẽ chặt bỏ và nghiên cứu chuyển sang các loại cây trồng khác.
"Đối với diện tích chết hoàn toàn chúng tôi khuyến cáo bà con xử lý gốc cây, cải tạo đất, khôi phục lại sản xuất, trước tiên là trồng cây ngắn ngày như cây ngô đông. Đối với diện tích có thể khôi phục được là khuyến cáo bà con cắt tỉa cành, khơi thông thoát nước, tiếp tục chăm sóc để tạo lại tán cây. Còn diện tích bị thiệt hại dưới 30% chúng tôi hướng dẫn người dân đảm bảo thoát nước, cát tỉa bớt cành, tiếp tục chăm sóc để đảm bảo chất lượng quả, đảm bảo thu nhập cho người dân.", Ông Nguyễn Kiều Hưng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đại Minh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái cho biết./.
Viết bình luận