Vùng cao Nghệ An: Sau nắng nóng lại lo mưa lớn, sạt lở
Thứ năm, 00:00, 12/07/2018 THU HA bt THU HA bt
VOV4.VN - Mùa mưa kéo dài, 6 huyện vùng cao của Nghệ An là: Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Con Cuông, Tương Dương và Kỳ Sơn lại nơm nớp nỗi lo ngập lụt và sạt lở đất đá, đời sống, kinh tế xã hội bị ảnh hưởng.

 

 

Pùng- Ka- Mong là bản thuần dân tộc Khơ Mú của xã Lượng Minh, huyện Tương Dương với 152 hộ, gần 800 khẩu. Mỗi năm, khi mùa mưa đến, 20 hộ với gần 200 nhân khẩu sống trong vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ lại nơm nớp lo âu.

Những đợt mưa lớn, kéo dài nhiều ngày, hàng chục hộ dân phải sơ tán, đợi ngớt mưa mới trở về nhà, bởi họ lo sợ nhà bị ngập và sạt lở. Đợt mưa lớn năm ngoái, nước dâng làm thiệt hại nhiều hoa màu, vườn tược, vật nuôi của người dân. Đó là công lao cả năm chăm bẵm của người dân quanh năm chỉ biết "bán mặt" cho nương rãy.

Bản Ăng, xã Thông Thụ huyện Quế Phong, thuần dân tộc Thái với 69 hộ và hơn 400 khẩu. Đợt mưa lớn năm ngoái khiến một nhà dân bị sập, đường sá, vườn tược, các công trình phúc lợi đều bị hư hại nghiêm trọng.

Vì thiếu đất bằng để sản xuất nên hầu hết bà con ở bản Ăng đều làm nhà bên suối, nhường đất làm ruộng. Nguy cơ bị lũ đe dọa luôn hiện hữu với người dân nơi đây.

Ông Lô Minh Chủng, Trưởng bản Ăng cho biết, năm nào bước vào mùa mưa lũ, chính quyền địa phương cũng xuống bản tuyên truyền cho người dân về ý thức tự bảo vệ, phòng tránh lũ ống, lũ quét.

Tỉnh Nghệ An hiện còn khoảng 240 vị trí có nguy cơ chịu ảnh hưởng của lũ ống, lũ quét và sạt lở, trong tầm ảnh hưởng gần 10 ngàn hộ, hơn 43.000 nhân khẩu.

(Những ngôi nhà chon von ở xã Thông Thụ, Quế Phong, có nguy cơ sạt lở rất cao)

Nhiều năm nay, tỉnh Nghệ An đã triển khai các công trình đê kè chống sạt lở, thực hiện các chương trình di dân, tái định cư và tăng cường tuyên truyền cho người dân ý thức chủ động phòng tránh tại các vùng có nguy cơ cao, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thể đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Theo ông Lương Thanh Hải, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An: tỉnh luôn chủ động đối phó với các nguy cơ thiên tai tại các huyện vùng cao, tuy nhiên, muốn đưa được dân ra khỏi vùng có nguy cơ lũ ống, lũ quét cần có sự đầu tư đồng bộ và mạnh mẽ hơn. Điểm mấu chốt là làm sao khi người dân đến nơi ở mới, phải  được đảm bảo cuộc sống sinh hoạt và sản xuất ổn định lâu dài.

Cũng như nhiều địa bàn vùng cao khác, bước vào mùa mưa lũ, hàng nghìn hộ dân ở vùng cao Nghệ An luôn canh cánh với nỗi lo trượt lở đất đá, mất người, mất nhà, tài sản tiêu tán... khi lũ ống, lũ quét tràn về.

Mong muốn lớn nhất của người dân vùng cao hiện nay là các địa phương phối hợp với các cơ quan khoa học đưa ra được bản đồ các vùng có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở cao để hạn chế đến mức thấp nhất mối lo của bà con vùng núi./. 

 

 

Quốc Khánh/VOV1

THU HA bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC