Bà H’Rưm H’mok ở buôn Hra Ea Hning (xã Dray B’hăng, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) kể: Năm 2020, khi đã ngoài 60 tuổi, sức khỏe giảm sút không thể tham gia những công việc nặng nhọc. Để có tiền trang trải cuộc sống cho chính mình và nuôi một người con tàn tật, bà H’Rưm H’mok nghĩ đến việc khôi phục lại khung dệt để dệt thổ cẩm. Hồi còn nhỏ, H’ Rưm đã được mẹ truyền dạy cho nghề dệt. Lớn lên, tay nghề của H’ Rưm không có người nào trong vùng sánh kịp. Trở lại với nghề, tháng ngày miệt mài, cần mẫn bên khung dệt. Nhưng bù lại, sản phẩm thổ cẩm của bà H’Rưm làm ra không đủ đáp ứng nhu cầu của người mua. Bởi bà thành thục kỹ thuật Kteh. Kỹ thuật này là đỉnh cao nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục của người Ê Đê, ít người thực hiện được.
Ở Buôn Hra Ea Hning có một số chị em phụ nữ sức khỏe yếu, không tham gia những công việc lao động nặng nhọc nên kinh tế của họ cũng khó khăn. Họ muốn tham gia dệt thổ cẩm với bà H’ Rưm. Vậy là năm 2021 tổ hợp tác thổ cẩm của buôn Hra Hning ra đời, với 6 thành viên. Bà H’Rưm H’mok là tổ trưởng của tổ hợp tác này. Cùng với việc hướng dẫn cho các thành viên về kỹ thuật Kteh, bà H’Rưm H’mok đảm trách luôn phần kết nối tiêu thụ sản phẩm cho tất cả thành viên.
“Dệt thổ cẩm đã tạo cho tôi có thu nhập. Bởi vì tôi già rồi không thể đi làm rẫy được vì thế tôi dệt thổ cẩm. Nhờ dệt thổ cẩm mà chị em có làm việc làm, có thu nhập ổn định. Tôi rất vui mừng vì trong lúc tuổi già nhưng vẫn có công việc để làm. Một tháng tôi thu về được 4 triệu đồng, vì thế tôi có cuộc sống ổn định hơn”, bà H’Rưm H’mok cho biết.
Chị H’Neo, thành viên của tổ hợp tác dệt thổ cẩm buôn Hra Ea Hning cho biết: Chị tham gia tổ hợp tác đã gần 3 năm nay. Thời gian đầu, các chị không có chỗ đặt khung dệt nên phải nhờ gầm một ngôi nhà sàn trong buôn làm nơi đặt khung dệt.
“Từ khi có tổ dệt thổ cẩm cho đến bây giờ thì cuộc sống của bản thân có nhiều thuận lợi. Một tháng thì tôi dệt được 4 tấm, thu về được 4 triệu đồng. Trong nhóm dệt thổ cẩm thì hầu hết ai cũng khó khăn. Trong 6 chị em dệt thổ cẩm chúng tôi thì cũng có chị em rất là khó khăn”, chị H’Neo cho biết.
Sản phẩm thổ cẩm của tổ hợp tác buôn Hra Ea Hning có uy tín với khách hàng gần xa. Năm 2022 tổ hợp tác được Hội Từ tâm Đắk Lắk vận động quyên góp tặng một ngôi nhà sàn truyền thống trị giá 300 triệu đồng. Nhà sàn được dựng lên khang trang ở khu trung tâm, bên cạnh nhà văn hóa của buôn. Từ đó mọi người trong tổ hợp tác có nơi làm việc thuận tiện.
Chị H’Tin H mok cán bộ phụ nữ buôn Hra Ea Hning, không tham gia tổ hợp tác thổ cẩm nhưng thường xuyên tìm hiểu động viên giúp đỡ các thành viên nhất là giúp họ trong khâu giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm.
“Người Ê Đê chúng tôi luôn coi trọng trang phục truyền thống của mình. Phụ nữ Ê Đê rất thích mặc thổ cẩm, do đó trang phục truyền thống vẫn luôn được gìn giữ. Trang phục thổ cẩm có từ thời ông bà nên con cháu bây giờ vẫn được giữ gìn, sử dụng”, chị H’Tin H mok cho biết.
Ông Y Xuyên Buôn yă, Phó Chủ tịch UBND xã Dray B’hăng cho biết: Buôn Hra Ea Hning có hơn 400 hộ, chủ yếu là người Ê Đê. Đời sống kinh tế của bà con dựa vào sản xuất nông nghiệp. Hiện buôn vẫn còn trên 100 hộ nghèo, hơn 50 hộ cận nghèo. Chính quyền xã đánh giá rất cao việc chị em phụ nữ trong buôn đã khôi phục phát huy nghề thổ cẩm, vừa giữ gìn, bảo tồn văn hoá truyền thống, lại có thêm thu nhập để ổn định cuộc sống. Vấn đề đặt ra hiện nay là lớp trẻ chưa mặn mà với những nghề truyền thống như đan lát, chế tác các loại nhạc cụ truyền thống, dệt thổ cẩm. Bởi thành thạo những nghề này, phải có thời gian khổ luyện bền bỉ. Nhưng thu nhậpvề kinh tế lại không cao bằng những nghề đơn thuần khác./.
Viết bình luận