Hơn 10 năm làm nhiệm vụ tuần đường, anh Lò Văn Thu, công nhân Công ty Cổ phần quản lý đường bộ I tỉnh Lai Châu gần như đã quen thuộc toàn bộ các cung đường mà đơn vị phụ trách. 35km trên quốc lộ 12 (từ km 0 đến km 35) mà các anh đảm nhiệm là tuyến đường trọng yếu, nối các vùng nội địa với Cửa khẩu Quốc gia Ma Lù Thàng, nên hàng ngày có rất đông phương tiện qua lại.
Công việc của anh Thu thường bắt đầu từ 5 giờ sáng và kết thúc lúc 18 giờ chiều, với hành trình di chuyển dọc tuyến. Vào mùa mưa, công việc tuần đường được thực hiện thường xuyên hơn, không kể ngày hay đêm. Khi phát hiện điểm sạt lở hoặc nguy cơ cao xảy ra sạt lở, việc đầu tiên của anh là cắm biển cảnh báo nguy hiểm cho người tham gia giao thông biết trước để phòng tránh; đồng thời, báo cáo về đơn vị để triển khai các phương án khắc phục kịp thời.
Anh Thu chia sẻ: Sáng sớm tôi đi tuần, kiểm tra xem có điểm nào sạt lở thì chụp ảnh, nếu mà đá rơi ít thì khắc phục ngay trước mắt để thông xe. Dù mình vừa đi về nhưng nếu người dân thông báo thì vẫn phải quay lại. Khi đi tuần chỉ có một mình rất nguy hiểm, nhưng công việc đặc thù và với trách nhiệm của người tuần đường, mình phải nâng cao ý thức để hoàn thành nhiệm vụ.
Việc tuần đường được thực hiện thường xuyên nhằm phát hiện, khắc phục kịp thời các điểm sạt lở.
Công ty Cổ phần quản lý đường bộ I Lai Châu đang quản lý, thực hiện nhiệm vụ bảo trì gần 500km đường quốc lộ và tỉnh lộ tại các huyện Mường Tè, Phong Thổ và Sìn Hồ. Nhằm đảm bảo giao thông thông suốt trong mùa mưa lũ năm nay, đơn vị đã hoàn tất việc rà soát toàn bộ các điểm nguy cơ sạt lở cao; qua đó, đã điều 30 đầu máy xúc ứng trực dọc các tuyến. Bên cạnh đó, các nguyên vật liệu như: rọ thép, ống cống, nhựa đường, đá hộc... cũng đã được tập kết tại các điểm xung yếu, nguy cơ sạt lở cao.
Các phần việc duy tu được thực hiện thường xuyên.
Theo ông Hoàng Tiến Quý, Giám đốc Công ty Cổ phần quản lý đường bộ I tỉnh Lai Châu: Hiện nay, Thông tư của Bộ Giao thông - Vận tải quy định về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ đang có những bất cập, khi bão lũ xảy ra, đối với đường quốc lộ, phải chờ Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải công bố tình huống khẩn cấp; với đường địa phương thì phải chờ Chủ tịch UBND tỉnh công bố tình huống khẩn cấp, sau đó đơn vị mới được thực hiện để thông xe. Điều này sẽ không đảm bảo được tính cấp thiết trong phòng, chống lụt bão. Đề nghị các cấp, các ngành có cơ chế phù hợp để chúng tôi thực hiện được tốt hơn.
Tỉnh biên giới Lai Châu hiện có gần 1.240km đường quốc lộ, tỉnh lộ và gần 3.500km đường liên xã, liên thôn. Mùa mưa lũ năm ngoái, riêng các tuyến đường quốc lộ và tỉnh lộ ở địa phương đã xuất hiện tới 1.600 vị trí sạt lở, gây thiệt hại hơn 80 tỷ đồng.
Để đảm bảo giao thông thông suốt trong mọi tình huống, hiện nay ngành Giao thông - Vận tải địa phương đã chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ xây dựng các phương án, đảm bảo sẵn sàng ứng phó khi có tình huống sạt lở xảy ra.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Lai Châu cho biết: Để đảm bảo giao thông thông suốt, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, Sở đã chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành các công trình sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất, xử lý điểm đen, những điểm tiềm ẩn trên các tuyến Trung ương và địa phương. Sở cũng đang tham mưu, kiến nghị UBND tỉnh và Tổng cục đường bộ Việt Nam để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo các nhà thầu tăng cường kiểm tra, rà soát các công trình trên tuyến, để kịp thời khắc phục hư hỏng, đảm bảo ổn định công trình.
Đến nay, các cấp, ngành và các địa phương ở tỉnh Lai Châu đã kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Với tinh thần chủ động, quyết tâm cao, Lai Châu phấn đấu giao thông đảm bảo thông suốt trong mọi tình huống; các thiệt hại về người và tài sản do mưa lũ gây ra cũng phải được hạn chế đến mức thấp nhất./.
Khắc Kiên/VOV Tây Bắc
Viết bình luận