Xác định tình trạng "ma lai", "thuốc thư" trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một hiện tượng xã hội chứ không phải là hủ tục lạc hậu, tỉnh Gia Lai đã xây dựng các giải pháp phù hợp với tình hình hình thực tế và triển khai thực hiện nhằm tiến tới xóa bỏ tình trạng "ma lai", "thuốc thư" đang có chiều hướng diễn ra phức tạp.
Một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức cho người dân vùng dân tộc thiểu số. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai đã dịch và phát hành 13.000 cuốn sổ "bỏ túi" bằng song ngữ Việt - Gia rai và Việt - Ba na, với nội dung phân tích cụ thể, khoa học trên cơ sở các vụ việc "ma lai", "thuốc thư" đang diễn ra và khẳng định đó chỉ là mê tín điên cuồng trong một số ít người và chịu sự tác động mạnh của kẻ xấu.
Những cuốn sổ "bỏ túi" này đã được cấp phát đến các buôn làng và các già làng, trưởng bản dùng làm tư liệu trong các cuộc họp, sinh hoạt cộng đồng.
Cán bộ vận động người dân từ bỏ quan niệm lạc hậu về "ma lai", "thuốc thư". Ảnh:baomoi.com
Bên cạnh đó, trách nhiệm của các già làng, trưởng bản cũng được nâng cao trong việc quản lý cộng đồng có liên quan đến tình hình an ninh trật tự nói chung và tình hình "ma lai", "thuốc thư" nói riêng. Khi có dấu hiệu xảy ra, các già làng, trưởng bản có trách nhiệm phối hợp với Ban công tác mặt trận, đoàn thanh niên, chi hội phụ nữ thôn, làng…để kịp thời có biện pháp ngăn chặn, không để sự việc xảy ra rồi mới xử lý.
Giải pháp ngăn chặn hoạt động trái phép của các thầy mo trong cộng đồng dân tộc thiểu số cũng được tỉnh Gia Lai coi trọng, bởi đây là trò lừa bịp, dựa vào tình hình "ma lai", "thuốc thư" để cúng lấy tiền, gây hoang mang lo lắng trong cộng đồng dân cư. Những người ốm chữa bệnh thông qua thầy cúng đều "tiền mất, tật mang", không ít trường hợp dẫn đến chết người. Đồng thời, tỉnh Gia Lai đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con nếu ốm đau thì đến các cơ sở y tế điều trị bệnh miễn phí; trong sinh hoạt hàng ngày, giữ gìn vệ sinh môi trường sạch sẽ, ăn chín uống sôi, ngủ có màn...; thực hiện tốt phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, tích cực lao động phát triển kinh tế, vận động con cháu đến trường, góp phần nâng cao nhận thức, loại bỏ các quan niệm lạc hậu, niềm tin sai lầm, mù quáng về "ma lai”, “thuốc thư”.
Những năm gần đây, tình trạng "ma lai", "thuốc thư" trong cộng đồng người dân tộc thiểu số ở Gia Lai diễn ra khá phức tạp và có chiều hướng gia tăng, gây mất đoàn kết dân tộc, ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của bà con. Chỉ tính riêng trong năm 2015, toàn tỉnh đã xảy ra hơn 10 vụ có liên quan đến “ma lai”, “thuốc thư” tại 7 huyện gồm: Chư Păh, Đắc Đoa, Chư Prông, Ia Grai, Chư Sê, Kông Chro và Krông Pa, làm chết 2 người, bị thương 4 người và thiệt hại về tài sản; các cơ quan bảo vệ pháp luật đã bắt giam và khởi tố 4 bị can. Nguyên nhân chủ yếu do nghị kỵ nhau và hăm dọa dùng “thuốc thư” để hại người khác, dẫn đến mâu thuẫn và đánh nhau.
"Ma lai", "thuốc thư" thường xảy ra sau những bữa "chén tạc, chén thù", nhất là trong đối tượng thanh niên. Nếu ghét ai hoặc bức xúc vấn đề gì, họ thường bộc phát những câu nói không ý thức hoặc thiếu suy nghĩ, chẳng hạn "mày không uống với tao chén rượu này thì trước sau gì mày cũng chết"... Không may sau đó có sự trùng hợp ngẫu nhiên, có thể là đau ốm bình thường hoặc có sự cố về tai nạn lao động hay tai nạn giao thông, dù là nhẹ, thì người nói ra những câu nói đó sẽ bị dân làng cho là "ma lai", "thuốc thư" gây hại người khác và dân làng có cách xử lý như tìm cách giết con "ma lai" đó, hoặc đuổi cả vợ con người đó ra khỏi làng, đập phá tài sản...
Theo Văn Thông/TTXVN
Viết bình luận