Cấp chứng chỉ rừng để nâng cao hiệu quả kinh tế
Thứ ba, 00:00, 11/08/2020 vp biên tập CT vp biên tập CT
VOV4.VN - Trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội chung, kinh tế rừng chiếm vị trí quan trọng, là nhân tố quyết định giải quyết công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là ở những nơi vùng sâu, vùng xa.Chính vì thế, những năm qua, nhiều địa phương đã xác định phát triển kinh tế lâm nghiệp hiệu quả, bền vững là hướng đi quan trọng, có tính chiến lược. Đặc biệt, tập trung nhiều giải pháp để nâng cao giá trị kinh tế từ rừng và thu nhập cho người trồng rừng đang là điều mà chính quyền nhiều nơi quan tâm thực hiện.

Phát triển kinh tế rừng đang hướng đi chiến lược của nhiều địa phương vùng cao hiện nay. Lợi ích từ kinh tế mà rừng mang lại là rất nhiều. Tuy nhiên, để hài hòa giữa phát triển kinh tế rừng và bảo vệ môi trường rừng thì cần nhiều hơn nữa những nỗ lực, chung tay của cả cộng đồng. Một trong những giải pháp của tỉnh Tuyên Quang nói chung và huyện Sơn Dương nói riêng đang triển khai chính là việc Cấp chứng chỉ rừng (FSC).

 Ông Nguyễn Tiến Long Phó Hạt trưởng, Hạt kiểm lâm huyện Sơn Dương, (Tuyên Quang) cũng cho rằng, để rừng được cấp chứng chỉ FSC, từ trước đó, người dân phải liên kết thành nhóm, bầu ra ban quản lý để phụ trách công việc chung như lập và quản lý hồ sơ, điều hành... Các thành viên tham gia nhóm phải tự nguyện thực hiện các nguyên tắc như đất trồng rừng phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, diện tích tối thiểu là 1 ha, rừng được hình thành trên đất trống, kế hoạch trồng rừng phải phù hợp với kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. Mục đích là phát triển rừng bền vững và bảo vệ mội trường. Để phát triển bền vững thì không được dùng thuốc hóa học, thuốc trừ sâu để không ảnh hưởng đến môi trường. Cây gỗ  sản xuất ra có nguồn gốc rõ ràng nên xuất khẩu đi nước ngoài đều được. Khi lâm sản được truy xuất nguồn gốc thì giá cả luôn ổn định và thu nhập của người trồng thì được tăng lên. Hiện chương trình đã được thực hiện ở 2 xã và đang mở rộng ra nhiều hơn.

FSC đảm bảo được tiêu chí về phát triển bền vững. Ảnh KT

Chứng chỉ rừng (FSC) do Hội đồng quản lý rừng phi chính phủ quốc tế cấp, được thực hiện tại tỉnh Tuyên Quang từ năm 2015. Đây là một trong những chứng nhận quan trọng của những người trồng rừng vì lợi ích mà nó mang lại. FSC đảm bảo được tiêu chí về phát triển bền vững, cân bằng được các giá trị bảo vệ môi trường rừng với lợi ích xã hội của các bên liên quan như: nhà sản xuất, xã hội và người dân địa phương.

Hiện nay, huyện Sơn Dương đã tiến hành Cấp chứng chỉ rừng (FSC) với tổng diện tích gần 4.400 ha cho các nhóm hộ gia đình và tổ chức. Bước đầu, huyện đã hoàn thành việc cấp Chứng chỉ rừng cho hai xã Cấp Tiến và Tú Thịnh. Hiện đang rà soát để cấp chứng chỉ rừng cho các xã Đạ Phú, Hợp Thành, Minh Thanh và Lương Thiện. Sau khi được cấp chứng chỉ rừng FSC giá trị gỗ rừng trồng của nhân dân tăng thêm từ 12-15%.

Bên cạnh cấp chứng chỉ rừng, huyện Sơn Dương còn thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy rừng. Chính quyền địa phương cũng tích cực tuyên truyền, vận động bà con tham gia trồng rừng trên những diện tích đất trống, đất rừng nghèo kiệt; thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng trồng, khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên rừng hiện có. Đặc biệt, tham gia cấp chứng chỉ rừng, tăng thu nhập trên cùng một diện tích cây trồng.

Cấp chứng chỉ rừng để nâng cao hiệu quả kinh tế. Ảnh KT

Theo ông Nguyễn Tiến Long, việc phát triển kinh tế rừng đã và đang được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, được coi là ngành kinh tế mũi nhọn. Chính vì thế, thời gian tới, huyện Sơn Dương tích cực triển khai việc Cấp chứng chỉ rừng FSC cho bà con. Một mặt vừa nâng cao giá trị cây trồng, mặt khác đảm bảo yếu tố môi trường, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, mang lại lợi ích lớn cho người dân.

Để đạt được mục tiêu, huyện Sơn Dương, cần sự vào cuộc của tất cả các cấp các ngành, mà quan trọng hơn cả chính là các chủ thể của những cánh rừng. Bởi, tiêu chí đánh giá để cấp FSC của các tổ chức nước ngoài thường chú trọng vào vấn đề môi trường xã hội. Đây là điểm còn hạn chế của nhiều địa phương, ví như tình trạng thả rông gia súc hiện nay vẫn còn. Chính vì thế, nếu cải thiện được vấn đề cơ bản này, thiết nghĩ, rừng không chỉ là lá phổi xanh của chúng ta mà rừng còn mang lại rất nhiều lợi ích về kinh tế cho bà con.
Văn Hải/VOV4

 

H

 

vp biên tập CT

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC