Cần giải quyết sớm những sai phạm, vướng mắc về BHXH ở huyện Mộc Châu -Bài 1
Thứ bảy, 12:46, 26/12/2020 Hoàng Thái Hoàng Thái
VOV4.VN- Từ nhiều năm nay, hơn 1.200 người lao động, trong đó có hàng trăm người là đồng bào dân tộc thiểu số nhận khoán trồng chè và nuôi bò sữa tại các doanh nghiệp ở huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đã phải tự đóng BHXH bắt buộc thay cho các chủ sử dụng lao động. Quyền lợi được hưởng thì chưa thấy đâu, nay họ lại đang bị yêu cầu chuyển sang đóng BHXH theo hình thức tự nguyện. Những việc làm này không chỉ gây khó cho người lao động mà còn đang làm ảnh hưởng đến quyền lợi của hầu hết công nhân; vì họ đang bị nhiều thiệt đơn, thiệt kép. Nhóm PV VOV4 Đài TNVN đã tiếp cận thực tế và có loạt bài viết làm rõ vấn đề này. Mời quý vị ấn nút play phía trên để nghe bản phát thanh.

Bài I:

Doanh nghiệp làm sai, người lao động chịu thiệt

 

Cao nguyên Mộc Châu mùa đông này rét đậm. Những đồi chè xanh hiện đã sạm màu. Công nhân đi làm, áo lớp ngoài, lớp trong để tránh cái rét như cắt vào da thịt. Với chị Lò Thị Thân, ở tiểu khu Chờ Lồng, thì gia đình có 5 miệng ăn, 16 năm làm ở Công ty cổ phần chè Cở Đỏ đều phải trông chờ vào mấy sào chè nhận khoán. Nhưng năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch covid-19, sản lượng chè xuất khẩu của Công ty gặp khó khăn, giá chè xuống dốc khiến thu nhập của gia đình sụt giảm. Đã thế, một trận ốm nặng thập tử nhất sinh từ năm ngoái vẫn chưa được cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán do bị tạm ngừng, nay lại bị yêu cầu chuyển BHXH bắt buộc sang hình thức Bảo hiểm tự nguyện. Do vậy, nỗi bức xúc bị dồn nén lâu ngày nay lại như thêm dầu vào lửa: "Việc của em là nhận khoán thu hái chè. Em có làm hợp đồng lao động theo hình thức hợp đồng 1 năm/lần. Mình mua bảo hiểm với công ty thì hàng năm mình phải nộp tiền cho công ty. Như của em là bậc 1 thì nộp 10,5 triệu đồng/năm; khi ốm đau, thai sản thì vẫn được hưởng. Sau này nộp tự nguyện, nghe nói sẽ không được hưởng các chế độ này nữa"- Chị Lò Thị Thân tâm sự.

Chị Lò Thị Thân, Công nhân Công ty Cổ phần chè Cờ Đỏ, Mộc Châu. Anh: HT

Chị Hoàng Thị An, ở tiểu khu 66, là lao động nhận khoán trồng chè cho Công ty cổ phần Chè Vinatea Mộc Châu từ năm 2008. Khi nhận việc, Công ty soạn sẵn một bản Hợp đồng ghi rõ trách nhiệm đóng các loại bảo hiểm bắt buộc là của người lao động. Từ đó đến nay, dù không được công ty hỗ trợ 21,5% số tiền bảo hiểm phải nộp trong tổng số 32% so với tiền lương theo qui định; nhưng năm nào chị cũng thực hiện đầy đủ. Chị An cho biết, không chỉ riêng đơn vị 66 nơi chị làm việc mà cả 10 đơn vị khác đều tự đóng 100% bảo hiểm chứ không được công ty hỗ trợ phần trăm bảo hiểm nào hết.

Không riêng gì chị Thân, chị An mà ở huyện Mộc Châu hiện đang có hơn 1.200 trường hợp là công nhân lao động ký Hợp đồng giao khoán trồng chè và nuôi bò sữa tại các doanh nghiệp trên địa bàn cũng đang rơi vào tình cảnh đó. Ông Đinh Thanh Tùng, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Sơn La cho biết: Từ dấu hiệu bất thường trong việc cấp giấy nghỉ ốm để thanh toán chế độ BHYT trên địa bàn huyện Mộc Châu, mà có ngày có tới 593 trường hợp nghỉ ốm trong năm 2018, BHXH tỉnh Sơn La đã tổ chức kiểm tra và phát hiện: nhiều công ty ở đây ký hợp đồng lao động không thực hiện việc chấm công, không trả hàng tháng mà chỉ trả lương thông qua mua sản phẩm; trong đó, họ đã tính các loại bảo hiểm bắt buộc.

 Ông Đinh Thanh Tùng cho rằng, đúng ra đơn vị sử dụng lao động phải đóng 21,5% còn người lao động đóng 10,5%, tuy nhiên thực tế nhiều đơn vị ở Mộc Châu lại không thực hiện như vậy mà các đơn vị này ghi luôn vào trong hợp đồng lao động yêu cầu người lao động tự đóng 32%. "Như vậy, các đơn vị họ đã vi phạm rồi nhưng họ lại lý giải là cái tiền đóng bảo hiểm xã hội 21,5% ấy là đã đưa vào giá thành thu mua chè, thu mua sản phẩm sữa. Tuy nhiên cái đó không thuyết phục. Không có quy định nào như thế cả. Anh phải chứng minh cho tôi ví dụ người ta mua cân chè của anh là 5 nghìn, anh phải chứng minh được rằng là 21,5% ngoài 5 nghìn đấy ra cộng thêm bao nhiêu nữa, đấy mới là số tiền phải đóng chứ"-Ông Đinh Thanh Tùng nói.

Ông Đinh Thanh Tùng-Phó Phó Giám đốc BHXH tỉnh Sơn La. Ảnh: HT

Số liệu sau 3 cuộc kiểm tra của BHXH tỉnh Sơn La cho thấy: các doanh nghiệp sai phạm trong việc thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH bắt buộc cho người lao động, nhiều nhất là tại Công ty cổ phần Vinatea- Mộc Châu, với 527 trường hợp; Công ty cổ phần chè Cờ Đỏ có 313 trường hợp, Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu: hơn 300 trường hợp, còn lại là ở Công ty cổ phần Chè Chiềng Ve.

Theo Hợp đồng giao khoán, số lao động này có chức danh công việc là công nhân trồng, chăm sóc và chăn nuôi bò của các Công ty cổ phần chè Chiềng Ve, Công ty cổ phần chè Cờ Đỏ, Công ty cổ phần Vinatea - Mộc Châu và Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu… Nhiệm vụ, công việc của họ là hằng ngày chăm sóc chè, nhổ cỏ, bón phân, phun thuốc, thu hái chè búp tươi và chăm sóc, chăn nuôi bò sữa, vắt sữa bò… Mặc dù, công ty không chấm công nhưng các lao động này hằng tháng đều có ngày công lao động thực tế. Rất nhiều năm qua, các công ty đã nêu không thanh toán lương trực tiếp hằng tháng cho người lao động, mà trả lương qua sản phẩm thu hoạch. Việc không có bảng chấm công, không có bảng thanh toán tiền lương hằng tháng khiến cho hàng trăm người lao động thuộc nhóm nhận khoán này chật vật, khổ sở hơn 2 năm trời (từ tháng 7/2018 đến tháng 8/2020), bởi việc giải quyết chế độ ốm đau, thai sản của họ bị đóng băng do cơ quan BHXH tỉnh Sơn La phải tạm dừng chi trả. 

Ông Nguyễn Văn Tám, Phó Giám đốc Chi nhánh Tổng Công ty chè Việt Nam-Công ty cổ phần Vinatea Mộc Châu cho biết: trong số hơn 1.950 hộ gia đình nhận khoán trồng chè, chỉ có gần 380 hộ, bao gồm 527 lao động làm đơn tham gia BHXH bắt buộc. Nhưng trong Hợp đồng lao động đã ghi rõ tiền BHXH do người lao động tự đóng. Bởi vậy, nếu gọi là sai, thì cũng do lịch sử để lại.

Ông Nguyễn Văn Tám, Phó Giám đốc Chi nhánh Tổng Công ty chè Việt Nam-Công ty cổ phần Vinatea Mộc Châu: “Từ năm 1996, Công ty áp dụng Nghị định 01/CP giao khoán vườn chè cho người lao động. Đến năm 2005 áp dụng theo Nghị định 135/CP. Trong đó, Công ty đã quy định đơn giá mua chè hàng năm là bao gồm cả đơn giá bảo hiểm rồi. Không phải riêng Công ty chè Mộc Châu đâu mà rất nhiều đơn vị khác cũng đều đưa vào đơn giá khoán”.-Ảnh: HT   

Tại Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu- nơi có hơn 300 hộ chăn nuôi ký Hợp đồng mua bán sản phẩm đã tham gia đóng BHXH bắt buộc ngay từ những năm đầu chuyển đổi cơ chế theo Quyết định 135/CP của Chính phủ- đến cuối năm ngoái có tới phân nửa số lao động đã đóng trên 15 năm và một số người sắp được hưởng chế độ nghỉ hưu; nhưng nay bị yêu cầu chuyển sang hình thức bảo hiểm tự nguyện nên nhiều người đang lo lắng.

Bà Lê Thị Lệ, Trưởng phòng tổ chức-lao động Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu cho rằng; thời gian qua, công ty luôn mua sữa cao hơn với giá thị trường. Giá này bao gồm tiền chăn nuôi bò, vắt sữa, chi phí BHXH, … Và trách nhiệm đóng BHXH của người lao động cũng đã có sự thỏa thuận giữa hai bên: người lao động và công ty thông qua Thỏa ước lao động tập thể.

Tuy nhiên, khi phóng viên Đài TNVN hỏi: “việc thỏa thuận ấy có trái với quy định của pháp luật hiện hành không?” thì đại diện Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu không trả lời, mà chỉ phân trần: "tiền đóng bảo hiểm thì công ty cũng đã thỏa thuận với người lao động là 32% đấy cũng đã thể hiện trong hợp đồng Lao động và trong Thỏa ước lao động của công ty. Thỏa ước này cũng đã được Sở Lao Động Thương binh, xã hội tỉnh Sơn La công nhận là đúng. Thỏa thuận này đã có sự thống nhất giữa người lao động và doanh nghiệp. Và cái việc này nó cũng đã thực hiện từ những năm 1995 đến giờ. Thì cũng qua rất nhiều đoàn kiểm tra các thứ thì cũng nói là công ty thực hiện đúng theo quy định chứ không có vấn đề gì".

Bà Lê Thị Lệ (bên phải), Trưởng phòng Tổ chức -Hành chính Công ty Cổ phần giống bò sữa Mộc Châu trao đổi với phóng viên VOV. Ảnh: HT

Được biết, tháng 12 vừa rồi, BHXH tỉnh Sơn La đã phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Mộc Châu tổ chức nhiều cuộc họp với đại diện các tổ, đội sản xuất, công đoàn và người lao động để giải đáp thắc mắc của công nhân và tìm giải pháp khắc phục. Nhưng việc khắc phục ấy đang có lợi cho các công ty vì họ đang đẩy khó sang cho người lao động. Nội dung phần 2 của loạt bài này, chúng tôi sẽ tiếp tục phân tích làm rõ trong chương trình sau./.

Sông Thao-Hoàng Thái/VOV4

Hoàng Thái

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC