Cần giải quyết sớm những sai phạm, vướng mắc về BHXH ở huyện Mộc Châu (Bài 2)
Thứ hai, 15:48, 28/12/2020 Hoàng Thái Hoàng Thái
VOV4.VN-Trong chương trình trước, chúng tôi đã có bài viết nêu rõ những sai phạm của các doanh nghiệp ở huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La trong việc thực hiện trách nhiệm đóng BHXH xã hội bắt buộc cho nhóm công nhân lao động nhận khoán trồng chè và chăn nuôi bò sữa. Tuy nhiên, thay vì phải giải quyết quyền lợi cho người lao động, thì đằng này, các đơn vị đó lại đang yêu cầu họ chuyển sang đóng BHXH từ hình thức bắt buộc sang hình thức tự nguyện. Những việc làm tréo ngoe này không không chỉ gây khó cho người lao động mà còn đang làm ảnh hưởng đến quyền lợi của hầu hết công nhân; vì họ đang chịu nhiều thiệt đơn, thiệt kép. Phần 2 của loạt bài này có nhan đề: “Đẩy khó cho người lao động” của nhóm PV VOV4 sẽ phân tích thêm về vụ việc này.
Tháng 12 vừa qua, BHXH tỉnh Sơn La phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Mộc Châu tổ chức nhiều cuộc họp với đại diện các tổ sản xuất, công đoàn và người lao động nhận khoán trồng chè và nuôi bò sữa để phổ biến việc chuyển đổi BHXH bắt buộc sang hình thức bảo hiểm tự nguyện. Tại các cuộc họp này, nhiều câu hỏi thắc mắc của công nhân lao động đã đưa ra và đề nghị công ty cũng như cơ quan BHXH tỉnh Sơn La tiếp tục cho họ được đóng BHXH bắt buộc như trước. Ông Đặng Văn Quảng, ở đội 96, Công ty cổ phần Vinatea Mộc Châu đã 18 năm liền đóng BHXH bắt buộc tham dự cuộc họp này và cho rằng, kiểu bắt ép công nhân ký vào đơn đang đẩy người lao động vào tình thế “tiến thoái, lưỡng nan” và chịu nhiều “thiệt đơn, thiệt kép”.

        Ông Phạm Ngọc Dưỡng, ký hợp đồng lao động nhận khoán trồng chè tại Công ty cổ phần Vinatea Mộc Châu đã hơn 20 năm- trong lần lục lại tập giấy tờ liên quan đến hợp đồng lao động và bảo hiểm xã hội đã cất giữ nhiều năm, lòng ông như thắt lại. Bởi chỉ còn 1 năm đóng BHXH bắt buộc nữa là đủ 20 năm, cùng với các chế độ khác sẽ được về hưu sớm. Nhưng việc chuyển sang hình thức mới này, không chỉ kéo dài thêm 5 năm mới được nghỉ hưu, mà còn mất chế độ ốm đau, dưỡng sức. Với ông, dù đã ký vào đơn “tự nguyện” để chuyển từ BHXH bắt buộc sang hình thức bảo hiểm nguyện theo yêu cầu của cấp trên, nhưng trong lòng vẫn không hề muốn.       

Ông Phạm Ngọc Dưỡng, Công nhân Công ty cổ phần Vinatea Mộc Châu đã đóng bảo hiểm bắt buộc 19 năm . Ảnh: HT

        Không tham dự các cuộc họp này, nhưng chị Hoàng Thị An, ở tiểu khu 66, thị trấn nông trường Mộc Châu, công nhân lao đọng của Công ty cổ phần Vinatea Mộc Châu cho biết, bên bảo hiểm và công ty đã xuống thông báo cho người lao động, trong đó có giải thích rằng theo quy định, công nhân làm ngoài đồng không có bảng chấm công nên không có căn cứ đóng BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, theo chị An, hàng tháng người lao động đều có ngày công lao động thực tế, thậm chí ngày mùa làm đến tối 9, 10 giờ đêm. Việc buộc người lao động ra đóng BHXH tự nguyện khiến nhiều người cảm thấy thiệt thòi. Bản thân chị An đã đóng mười mấy năm rồi, chị đinh ninh được tính chế độ độc hại thì 50 tuổi sẽ được nghỉ hưu, nhưng giờ nếu mất đi chế độ này, chị phải 55 tuổi mới được nghỉ.

Chị Hoàng Thị An, ở tiểu khu 66 thị trấn nông trường Mộc Châu, công nhân lao động thuộc Công ty cổ phần Vinatea Mộc Châu. Ảnh: HT

        Theo các quy định của nhiều văn bản pháp luật như: Luật BHXH năm 2014; Nghị định số 105 ngày 15/11/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT; Luật Việc làm năm 2013; Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 và Nghị định số 44/CP của Chính phủ năm 2017 thì: “Người lao động ký hợp đồng lao động với doanh nghiệp từ 3 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp…bắt buộc theo văn bản quy định hiện hành là 32%, trong đó người sử dụng lao động đóng 21,5%; người lao động đóng 10,5% tiền lương tháng". Như vậy, việc thu 32% tiền lương tương ứng để đóng BHXH bắt buộc cho người lao động như các công ty ở Mộc Châu đã làm là hoàn toàn sai luật. 

        Chính vì thế, sau khi phát hiện, BHXH tỉnh Sơn La đã có nhiều văn bản gửi tới BHXH Việt Nam, Sở Lao động-TB và XH tỉnh Sơn La và UBND tỉnh Sơn La xin ý kiến chỉ đạo và hướng xử lý. Trong đó, ngoài việc tạm đình chỉ việc chi trả hơn 2 tỷ 360 triệu đồng tiền chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức của người lao động hơn hai năm trời, BHXH tỉnh Sơn La cũng đã gạt ra 406 hồ sơ được cho là sai qui định. Tuy nhiên, dù đã chỉ ra sai phạm, nhưng trong kết luận thanh tra năm 2018, BHXH tỉnh Sơn La không có kiến nghị biện pháp xử lý doanh nghiệp; ví dụ như phải yêu cầu họ ký hợp đồng lao động và thực hiện việc chấm công, mà chỉ tạm dừng việc giải quyết chế độ thai sản, ốm đau…, cho nên, đến bây giờ vẫn loay hoay vì chưa gỡ được nút thắt.

Một góc Cao nguyên Mộc Châu . Ảnh: HT 

        Được biết, sau khi xảy ra chuyện lình xình về BHXH tại một số doanh nghiệp trên địa bàn huyện Mộc Châu, ngày 26/12/2018, theo Tờ trình của Sở Lao động, TB- và XH tỉnh Sơn La, UBND tỉnh này đã có công văn số 4723/UBND gửi Bộ Lao động, TB- và XH cùng BHXH Việt Nam xin ý kiến tháo gỡ vướng mắc nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Theo văn bản này, UBND tỉnh Sơn La khẳng định: “...việc không chấm công cho nhóm lao động này là do thiếu sót của các công ty trong việc thực hiện các qui định của pháp luật về lao động và hạn chế trong quá trình quản lý lao động, tiền lương...” Văn bản của UBND tỉnh Sơn La cũng đề nghị Bộ Lao động, TB- và XH cùng BHXH Việt Nam cho các đơn vị tiếp tục thực hiện tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, BHYT cho các đối tượng này. 
        Tuy nhiên, mãi đến tận ngày 3/8/2020, bằng công văn số 2863/ LĐTBXH-BHXH, Bộ Lao động- TB và XH mới có văn bản trả lời và nêu rõ: “ Từ ngày 15/02/2017 trở đi, nếu phát sinh hợp đồng giữa doanh nghiệp với người lao động nhận khoán thì doanh nghiệp vẫn phải thực hiện các nghĩa vụ đối với người lao động theo qui định của pháp luật lao động; trong đó nghĩa vụ tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho người lao động theo qui định của pháp luật...”
        Như vậy là đã rõ, việc khắc phục những sai phạm, vướng mắc này; lẽ ra các doanh nghiệp ở Mộc Châu phải tìm cho được một cơ chế quản lý chấm ngày công phù hợp, qui đổi tương ứng với đặc thù công việc chăn nuôi bò sữa, cũng như trồng và chăm sóc chè. Để thông qua đó, ký lại Hợp đồng lao động cho bà con để có cơ sở trả luong và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo đúng qui định; nhằm đảm bảo quyền lợi và các chế độ độc hại, ốm đau, thai sản mà họ đã tham gia đóng BHXH liên tục từ trước tới nay. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này không những đã làm sai mà còn đang đẩy phần khó cho người lao động. 

        Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi vụ việc này và phản ánh tới quí vị và các bạn!

 

Công văn trả lời UBND tỉnh Sơn La của Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội nêu rõ: Từ ngày  15/02/2017 trở đi, nếu phát sinh hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp với người lao động nhận khoán thì doanh nghiệp vẫn phải thực hiện các nghĩa vụ đối với người lao động theo quy định của pháp luật lao động, trong đó có nghĩa vụ tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho người lao động theo quy định của pháp luật.

 

Sông Thao-Hoàng Thái/VOV4
Hoàng Thái

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC