Những hộ chăn nuôi may mắn chưa bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh cũng không kém phần lao đao do giá lợn xuống thấp, thậm chí còn thấp hơn nhiều so với giá hỗ trợ lợn bệnh theo Nghị định 02 của Chính phủ.
Trang trại của ông Phạm Ngọc Đại ở khu 2, thị trấn Tiên Lãng (huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) có hơn 200 con lợn; trong đó, khoảng 50 con lợn thịt trọng lượng trên 1 tạ/con đã đến kỳ xuất chuồng. Tuy nhiên, từ khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại huyện Tiên Lãng đến nay, giá lợn hơi liên tục giảm, hiện chỉ khoảng 30.000 đến 35.000 đồng/kg, thấp hơn so với mức hỗ trợ 38.000 đồng/kg đối với lợn bị bệnh phải tiêu hủy theo Nghị định số 02 năm 2017 của Chính phủ.
(Phó CT UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Đình Chuyến kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh- Ảnh: VOV).
Ông Phạm Ngọc Đại cho biết, dù giá thấp nhưng ông và các hộ chăn nuôi vẫn phải bán vì “nuôi thêm ngày nào là lỗ ngày đó” Nhà nước hỗ trợ 38 nghìn mà người dân 32 nghìn cũng phải bán vì không có người mua. Giờ con lợn to quá rồi, không bán đi, lợn nái đẻ ra, lợn con vẫn phải xuống. Không bán thì vẫn phải cho ăn, lợn vẫn lớn và chiếm chỗ. Lợn nái đẻ ra thì để đâu? Nên buộc lòng giá 32, 33; thấp hơn cũng phải bán.
Không chỉ ở huyện Tiên Lãng mà tại các địa phương khác của thành phố Hải Phòng, giá lợn hơi cũng xuống thấp khiến người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn.
Chị Nguyễn Thị Huệ (ở thôn 4, xã Hoàng Động, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) có gần 500 con lợn thịt và hơn 80 con lợn nái. Thực hiện tốt công tác phòng dịch, như: rắc vôi bột, phun hóa chất khử trùng hàng ngày, cách ly hoàn toàn người lạ…, đến nay, đàn lợn của gia đình chị vẫn phát triển khỏe mạnh.
(Các trang trại lợn rắc vôi bột, thực hiện công tác phòng dịch - Ảnh: VOV)
Thế nhưng, chị Huệ lại đứng ngồi không yên vì đã bỏ ra hàng chục triệu đồng mua hóa chất phòng dịch, chưa kể hàng triệu đồng tiền cám mỗi ngày. Vậy mà gần 300 con lợn thịt đến kỳ xuất chuồng lại không có ai mua. Phòng dịch đã khổ rồi, giờ đầu ra con lợn còn khổ hơn. Chị Huệ gọi điện cho rất nhiều thương lái mà vẫn không bán được. Chị điện lên ngân hàng hỏi thì nhận được câu trả lời: bây giờ chăn nuôi lợn thì ngân hàng không dám cho vay vì mạo hiểm. Những hộ chăn nuôi như chị Huế, nếu mua cám vào thời điểm này thì đều phải thanh toán tiền mặt. Khó khăn càng chồng chất khó khăn.
Ông Nguyễn Viết Dân, chủ một cơ sở giết mổ tại huyện Tiên Lãng lý giải, sức tiêu thụ thịt lợn giảm do tâm lý e ngại của người dân và quan trọng hơn là những cơ sở giết mổ nhỏ lẻ tại địa phương hiện chưa được kiểm tra, đóng dấu kiểm dịch nên người dân không yên tâm khi sử dụng thịt lợn; Người tiêu dùng muốn mua thịt lợn có dấu kiểm dịch nhưng cơ sở không đáp ứng được.
Thị trường phân tán, kiểm dịch khó, không kiểm soát được. Từ hôm dịch đến nay, người ta khoanh vùng, không vào, không ra nên lợn to tồn lại nhiều. Lợn siêu nạc cũng chỉ có giá 32, 33 nghìn/kg.
(Khoanh vùng và kiểm soát kỹ xe chở lợn ra, vào địa bàn - Ảnh: VOV)
Lợn được phòng dịch tốt, khỏe mạnh vẫn không bán được hoặc phải bán với giá quá rẻ trong khi người dân không biết mua thịt lợn đảm bảo ở đâu. Ông Phạm Văn Hậu, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Thủy Nguyên cho biết: Hiện đang thiếu một mắt xích kết nối trong quá trình đưa thịt lợn sạch, đảm bảo đến tay người tiêu dùng.
Trên địa bàn huyện không có cơ sở giết mổ tập trung, vì vậy lợn không được kiểm soát lăn dấu, các điều kiện vệ sinh thú y giết mổ chưa được đảm bảo. Các doanh nghiệp và bếp ăn tập thể yêu cầu muốn đưa được thịt lợn vào thì phải có cơ sở đủ điều kiện vệ sinh thú y nên rất khó khăn.
Ngày 1/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 09 về các giải pháp tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, trong đó, yêu cầu ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở chế biến “tăng cường thu mua dự trữ, cấp đông để hạn chế mức giảm giá thịt lợn quá sâu”.
Vì vậy, thành phố Hải Phòng cần sớm có biện pháp hỗ trợ và chính sách kết nối giữa người chăn nuôi với các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh; tăng cường kiểm soát, kiểm dịch để đẩy mạnh tiêu thụ thịt lợn, ổn định giá lợn hơi trên thị trường nhằm hỗ trợ người chăn nuôi trong giai đoạn khó khăn hiện nay./.
Thanh Nga/VOV Đông Bắc
Viết bình luận