Tổng số gia súc mắc bệnh phải tiêu hủy ở Sơn La là 34 con, trọng lượng gần 6000 kg.
Bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò đã xuất hiên tại 6 xã, thuộc 4 huyện của tỉnh Sơn La - Ảnh: VOV
Cơ quan chức năng ở các địa phương có dịch đang tập trung triển khai các biện pháp khoanh vùng, dập dịch; thực hiện phun tiêu độc, khử trùng chuồng trại của các hộ có trâu bò mắc dịch; cách ly toàn bộ số trâu, bò khỏe mạnh ra khỏi vùng dịch.
Tổng số đã có hơn 30 con trâu, bò mắc bệnh phải tiêu hủy - Ảnh: VOV
Các địa phương khác cũng tăng cường các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn không để dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn.
Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Sơn La đã tham mưu đề xuất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh hỗ trợ vắc xin Lumpyvac phòng chống bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò và tổ chức tiêm vắc xin cho trâu bò tại vùng dịch, vùng uy hiếp và vùng đệm trong bán kính 100 km kể từ vùng dịch.
Chi cục cũng phối hợp với các địa phương huy động lực lượng tại chỗ ở các xã, bản tham gia hỗ trợ lực lượng thú y tiêm vắc xin cho đàn trâu, bò.
Xác định kích thước, trọng lượng một con bò mắc bệnh viêm da nổi cục - Ảnh: VOV
Cũng theo Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Sơn La, thời gian ủ bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò trung bình khoảng 4 - 14 ngày, khả năng lây nhiễm bệnh qua côn trùng truyền nhiễm khoảng cách lên tới 50 km.
Vì vậy, việc phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh phải được thực hiện thường xuyên, không lơ là, nhất là trong thời gian chưa tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh. Ngoài sử dụng các loại hóa chất diệt côn trùng, người chăn nuôi có thể sử dụng vôi bột sẵn có tại địa phương để vệ sinh chuồng trại, hạn chế các nguồn bệnh lây lan.
Bên cạnh đó, người dân cần hiểu rõ về mức độ nguy hiểm, khả năng lây lan của bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò và hậu quả kinh tế khi dịch xảy ra, từ đó chung tay phòng chống, nhằm bảo vệ tốt tài sản của gia đình và cộng đồng./.
Thu Thùy/VOV Tây Bắc
Viết bình luận