Tả Liên Sơn hay còn có tên gọi địa phương khác là núi Cổ Trâu, tọa lạc trên địa phận xã Tả Lèng, huyện Tam Đường (Lai Châu). Đây là đỉnh núi cao thứ 6 của Việt Nam, với 2.996 mét so với mực nước biển và nằm giáp ranh giữa hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Do mang trên mình vẻ đẹp thiên nhiên nguyên sơ vốn có mà Tả Liên Sơn đang là sản phẩm du lịch trekking thú vị, đáng nhớ để du khách khám phá, chinh phục.
Trong hành trình chinh phục Tả Liên Sơn, du khách sẽ được đi xuyên qua khu rừng già cổ tích, với hệ sinh thái động, thực vật phong phú. Đó là những thảm thực vật nguyên sinh đa dạng, những tán cây cổ thụ xum xuê, thân to phủ kín rêu phong và dương xỉ. Khi đặt chân đến độ cao khoảng độ cao 1.700 mét, du khách sẽ choáng ngợp bởi vẻ đẹp ma mị của rừng chè cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm.
Anh Nguyễn Thịnh Quý, một du khách đến từ thủ đô Hà Nội chia sẻ: Mặc dù quãng đường đi chỉ hơn 7 cây số, nhưng phải mất 8 tiếng mới tới nơi. Thực sự khi lên đến đây là chúng tôi cảm thấy mình đã chiến thắng chính bản thân bằng ý chí, nghị lực và tinh thần. Đặc biệt nhất là suốt chặt đường đi chúng tôi đã được hòa mình vào thiên nhiên và điều đó đã hấp dẫn, thôi thúc chúng tôi tiếp tục khám phá.
Du khách như chiến thắng chính bản thân mình khi đặt chân lên 6 trong 10 đỉnh núi cao nhất Việt Nam tại Lai Châu.
Là người yêu thích khám phá các đỉnh núi cao, chị Lưu Lan Phương đến từ Hà Nội đã từng có mặt tại 5 đỉnh núi cao của Việt Nam theo hình thức du lịch trekking, trong đó có đỉnh núi cao top 3 là Kỳ Quan San. Thế nhưng, khi đến với đỉnh Tả Liên Sơn, chị vẫn không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp quyến rũ của thiên nhiên, nhất là cánh rừng hoa đỗ quyên vào mùa.
Chị Lưu Lan Phương tâm sự: Tả Liên Sơn là đỉnh núi đầu tiên ở Lai Châu mà tôi leo. Cảm xúc như vỡ òa, bởi cánh rừng già tuyệt đẹp. Càng đi lên cao các cánh rừng càng quyến rũ với nét rêu phong, cổ thụ. Hoa đỗ quyên rừng nở rất là đẹp, nếu gọi là nữ hoàng thì đỗ quyên quá là xứng đáng, từ mầu sắc đến cách hoa nở thành chùm, rồi cách các cây hoa mọc trên những đỉnh núi cao.
Những cánh rừng già cổ tích trên hành trình chinh phục các đỉnh núi ở Lai Châu.
Cũng như Tả Liên Sơn, đỉnh núi Pu Ta Leng ở xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường (Lai Châu) được biết đến với độ cao 3.049 mét và là nóc nhà Đông Dương sau FanSiPan và Pu Si Lung. Theo tiếng Dao, “Pu” có nghĩa là “núi”, còn Ta Leng hay Tả Lèng là tên địa danh của vùng này và có lẽ cái tên Pu Ta Leng cũng ra đời từ đó. Để chinh phục đỉnh Pu Ta Leng, du khách sẽ phải vượt qua những khu rừng nguyên sinh, những thác nước, khe suối hay những thảm thực vật phong phú.
Khi quyết định tham gia chuyến đi chinh phục Pu Ta Leng, chị Phạm Thị Hiền Nhi, du khách tới từ thành phố Hồ Chí Minh rất háo hức, bởi đây là đỉnh núi còn nguyên sơ. Cung đường lên đỉnh núi cũng rất khó đi và dài, đòi hỏi người chinh phục phải có sức khỏe và sức bền. Đường lên đỉnh núi cũng có nhiều dốc đứng, du khách phải có kỹ năng leo núi, sự cẩn thận và kiên nhẫn.
Chị Phạm Thị Hiền Nhi chia sẻ: Được tham gia chuyến đi Pu Ta Leng này tôi cảm thấy rất ấn tượng, bởi được trải nghiệm trekking qua những con suối, những con đường mòn và đặc biệt là được ngắm các loài hoa đỗ quyên rất là đẹp. Khung cảnh nên thơ, suối chảy róc rách thật thú vị. Tôi tin chắc rằng trong tương lai Pu Ta Leng sẽ là một điểm đến khá ấn tượng cho rất nhiều du khách trong và ngoài nước.
Theo đánh giá của các du khách và chuyên gia khi đến với du lịch trekking ở Lai Châu, các đỉnh núi ở địa phương đều có hiện trạng nguyên sơ của những cánh rừng già và cung đường khám phá với độ khó cao, thách thức sự kiên trì và lòng dũng cảm của du khách. Cùng với đó, cư dân sinh sống quanh các ngọn núi vẫn là các bản làng người dân tộc bản địa, lưu giữ được bản sắc văn hóa riêng vốn có.
Bản sắc văn hóa các dân tộc tại bản làng là một trong các điều kiện tiên quyết phát triển loại hình du lịch trekking tại Lai Châu.
Ông Hoàng Quốc Việt, chuyên gia du lịch trekking đến từ thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Bản chất của du lịch trekking đó là những trải nghiệm khám phá chính bản thân của du khách. Sự khác biệt của các đỉnh núi cao ở Lai Châu so với các đỉnh núi cao khác ở khu vực Tây Bắc đó là rừng già và rừng tự nhiên. Những sinh cảnh tuyệt đẹp ở đây, có lẽ là lần đầu tiên trong đời được trải nghiệm với nhiều du khách. Điểm khác biệt của Lai Châu so với phần còn lại của Tây Bắc chính là điểm nhấn tổ chức các chương trình khảo sát đánh giá tiềm năng, cũng như là điểm nhấn để thu hút du khách.
Cùng với bảo tồn các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc, du lịch trakking các đỉnh núi ở Lai Châu đang được du khách trong và ngoài nước tìm đến. Những cái tên Pu Si Lung, Tả Liên Sơn, Pu Ta Leng, Bạch Mộc Lương Tử, Hoàng Liên San thuộc top 10 đỉnh núi cao nhất Việt Nam đều có độ cao từ 2.996 mét đến 3.083 mét so với mực nước biển. Đây là tiềm năng, lợi thế riêng có của Lai Châu và là định hướng phát triển du lịch của địa phương.
Ông Trần Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu khẳng định: Lai Châu có rất nhiều phong cảnh kỳ vĩ như là đỉnh Pu Ta Leng và những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số. Những đỉnh núi này đều đã được tỉnh khảo sát, có phong cảnh đẹp và phù hợp với du lịch mạo hiểm. Chính vì vậy Lai Châu đã có định hướng về du lịch mạo hiểm, du lịch trekking và từ đó hình thành nên những cung đường, những tour phù hợp với du khách.
Tỉnh biên giới Lai Châu nằm ở địa đầu Tây Bắc của Tổ quốc, nơi có 20 đồng bào dân tộc sinh sống và có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh đã và đang chuyển mình để khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch Việt Nam. Những nét văn hóa cổ xưa của đồng bào các dân tộc và lợi thế các đỉnh núi nguyên sơ đang giúp Lai Châu thẳng tiến trên hành trình phát triển loại hình du lịch bền vững./.
Khắc Kiên/VOV Tây Bắc
Viết bình luận