“Dừng chân nơi phố nhỏ Tiên Yên/Con sông xanh chia hai bờ nhớ thương”. Dù từng được coi là nơi “rừng sâu nước độc” vùng Đông Bắc Quảng Ninh, phố Tiên Yên vẫn hiện lên với những nét văn hóa rất khác biệt.
Sinh ra và gắn bó cả cuộc đời với phố, nghệ sĩ nhiếp ảnh Cấn Đình Loan trầm ngâm bảo, chỉ nên gọi Tiên Yên là phố cũ. Lịch sử hình thành khoảng đầu thế kỷ XX, trấn Tiên Yên xưa là sự pha trộn giữa kiến trúc của người Hoa và người Pháp. Nhà ống chỉ 2 tầng, mái ngói đất nung lợp âm dương, tường vôi gạch, luôn có giếng trời để đón gió và điều hòa ánh sáng. Nhiều hoa văn trang trí mang dấu ấn Gothic, phố không có vỉa hè, theo ô bàn cờ gọn ghẽ.
Tiên Yên phố cũ. Ảnh: baomoi.com
Nằm ở ngã 3 sông, ngã 3 đường cái từ Hòn Gai, Cẩm Phả ra, từ Móng Cái, Hà Cối vào, từ Đình Lập, Lạng Sơn xuống, Tiên Yên là nơi sinh sống của nhiều dân tộc Kinh, Hoa, Sán Chỉ, Dao với phố chợ tấp nập, trên bến dưới thuyền.
Nhà nhiếp ảnh chia sẻ: "Thị trấn Tiên Yên khác với tất cả các thị trấn là nó rất gọn, rất nhỏ và nằm bên bờ sông luôn điều hòa, thơ mộng. Các dân tộc xuống chợ giao lưu, trao đổi hàng hóa, không có chuyện nói thách, chợ lúc nào cũng tấp nập. Chúng tôi sống ở đây rất thanh bình, cửa mở thoải mái. Cả thị trấn quen biết nhau, ra đường là hỏi là chào. Đấy mới là Tiên Yên".
Phố Tiên Yên có dòng sông chảy qua, từ thượng nguồn xuống mang theo tiếng sáo, tiếng kèn của người Sán Chỉ, tiếng chày giã bánh dày của người Tày. Vào mùa, bờ sông nở rực hoa đỗ quyên, hoa kim ngân. Nhiều con đường, tuyến phố, hàng cây, những ngôi biệt thự là chứng nhân lịch sử, in đậm trong ký ức mỗi người. Những đêm trăng sáng, trẻ nhỏ chơi đùa, đàn hát, người già thưởng trà. Phố cũng là nơi bán những thức quà khéo léo, món khau nhục, bánh gật gù, bánh gio, tài lồng ệp, gà Tiên Yên nức tiếng,…
Bao thăng trầm, phố Tiên Yên dần xuống cấp và được cải tạo, chỉ còn khoảng 40 ngôi nhà cũ nằm rải rác. Nhưng theo lời nhiếp ảnh gia Cấn Đình Loan, người Tiên Yên vẫn luôn ý thức giữ gìn hồn phố cũ:
"Tôi dùng máy ảnh tôi chụp, giữ nó lại, từng góc phố, từng nhà, từng ngõ, từng con người đi qua. Có quy luật phát triển, nhưng sự phát triển ấy cũng không thể lấn át hết cái cũ. Tiên Yên vẫn là Tiên Yên. Cái hồn cốt của nó vẫn còn. Đó là điều tôi vẫn tự hào".
Ngược đường lên Đông Ngũ, Phong Dụ, Đại Thành, Hà Lâu… Với hơn một nửa cư dân là đồng bào thiểu số, Tiên Yên cũng là nơi các dân tộc anh em cùng sinh sống, bên những thửa ruộng bậc thang, bên suối thác mát lành. Hàng tuần, tiếng hát then, tiếng đàn tính của người Tày, lời hát đối của người Dao, câu soóng cọ của người Sán Chỉ vẫn vang lên đều đặn trong những câu lạc bộ dân ca. Các nghệ nhân, những người tâm huyết với văn hoá dân tộc, cả lãnh đạo xã cùng tham gia, cất vang lời hát ca ngợi quê hương, tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình, làng xóm,.. bằng tiếng mẹ đẻ thân thuộc.
Tối thứ 7, gần 60 em học sinh CLB văn nghệ dân gian của Trường phổ thông Dân tộc Nội trú THCS và THPT Tiên Yên lại quây quần ríu rít tập hát, tập múa. Rạng rỡ khi được học một làn điệu mới, em Chíu Thị Chi, người dân tộc Dao tâm sự: "Lúc đầu em chưa thấy thích hát và muốn hát tiếng dân tộc đâu. Về sau có nhiều bạn cùng hát, hay hát cùng nên em thấy nhớ, thấy vui và rất thích hát".
Lời ca điệu hát giúp các em gần nhau hơn, dù khác dân tộc, khác tiếng nói. Ở đây, các em còn được học thêu truyền thống, thi trình diễn trang phục dân tộc mình. Mỗi sáng thứ 2, hội thi hát lại được tổ chức tưng bừng, rộn rã. Giữa màu áo trắng đồng phục tinh khôi, những vạt áo sặc sỡ màu thổ cẩm tựa bông hoa rừng đẹp đẽ. Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Trưởng phòng Văn hóa Tiên Yên cho rằng: "Thông qua các hoạt động văn hóa văn nghệ, truyền dạy và lưu giữ vốn văn hóa dân tộc, thế hệ trẻ sẽ có ý thức và trách nhiệm với phong tục tập quán, truyền thống của dân tộc mình".
Nhiều lớp học tiếng dân tộc, các lớp bồi dưỡng dân ca được mở ra. Lễ hội Lồng Tồng (dân tộc Tày), lễ Đại Phan (dân tộc Sán Dìu), lễ Cấp sắc (dân tộc Dao)... được quan tâm phục dựng đúng với bản chất vốn có. Nhiều buổi giao lưu, hội thi trong và ngoài tỉnh, đã có biết bao người Tiên Yên mang nét đẹp quê mình đi khắp chốn, sánh vai với bạn bè bao dân tộc anh em.
Câu chuyện bảo tồn văn hóa Tiên Yên được nhiều nhà quản lý trăn trở. Ông Trương Công Ngàn, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên cho biết: "Chúng tôi xác định những giá trị văn hóa đã và đang hiện hữu, những giá trị đã bị phôi phai sẽ có sự bảo tồn, khôi phục lại. Nhà trong phố sẽ có chính sách để người dân bảo tồn. Bản người Dao, người Tày sẽ được xây dựng bản điển hình, mang đậm chất văn hóa, hướng đến du lịch cộng đồng trong tương lai".
Tiên Yên những ngày này đang tưng bừng trong lễ hội lớn. Chứng kiến những gia đình phố thị rủ nhau đóng góp dựng phố đi bộ, những đoàn văn nghệ quần chúng chẳng quản ngại đường xa về đây, tự hào trình diễn văn hoá đặc sắc của mình, người người tấp nập rộn ràng những góc phố, tôi biết rằng, văn hóa, hồn cốt của vùng đất Tiên Yên vẫn còn đó, đẹp đẽ và nguyên vẹn trong mỗi người.
Trường Giang/VOV-Đông Bắc
Viết bình luận