Điều bạn cần biết khi được người Mường mời cơm
Thứ sáu, 00:00, 29/07/2016 Hải Huyền bt bài .1 + 1 ảnh Hải Huyền bt bài .1 + 1 ảnh

VOV4) - Nếu có dịp làm khách nhà người Mường ở Hòa Bình, bạn sẽ có cơ hội được thưởng thức văn hóa ẩm thực có một không hai nơi đây. Và ngay trong cách bài trí, ăn uống, người Mường cũng thể hiện rõ văn hóa ứng xử cộng đồng rất riêng.

 

Rượu cần, cỗ lá – văn hóa xứ Mường

 

 

Trong những cuộc vui của người Mường, không thể thiếu rượu cần – một loại thức uống làm từ gạo nếp ngon được ủ men làm từ vỏ cây long não, vỏ cây hạt dổi hoặc cây mun mọc. Khi uống, tại mỗi hũ rượu, người ta cắm nhiều cần để nhiều người cùng thưởng thức. Càng đông người chung uống thì sẽ càng vui. Những cuộc rượu như vậy, thường sẽ có chủ trám – tức người mời rượu, điều khiển cuộc vui. 

 

Ông  Hà Công Yểm, ở tổ 11, phường Chăm Mát, TP Hòa Bình ví dụ: "Chủ trám mời mọi người uống, có trách nhiệm đúc nước và chia cần cho mọi người. Uống cạn, ông này lấy sừng trâu rót rượu. Ông ấy quy định một hội này phải uống hết mấy sừng chẳng hạn. Lúc đấy là ép rồi, vui rồi mà. Thế là hát: Chủ trám tôi rót, chủ trám tôi mời, cần bên trên nịt vàng tôi mời ông, mời bà. Cần bên cạnh nịt bạc tôi mời anh, mời chị, mời cô, mời chú, bắt đầu uống đi… Nếu bên kia cũng biết hát thì sẽ hát đối lại trời năm nay nắng hạn, ngoài đồng thì không mọc được rau má. Phải đồ cơm vào ống nứa, đồ rượu vào ống giang, không có khoe cần trúc thì cũng phải khoe giàng giàng để mời. Rượu không ngon, bảo là bình rượu nó chỉ bằng quả sung, quả vả thôi. Nhưng bên kia lại nói bình rượu bằng voi nằm. Như thế mới thành câu ca, mới vui.




Cỗ lá của người Mường. Ảnh do nhân vật cung cấp

 

Người Mường có truyền thống làm cỗ lá. Cỗ được bày trên lá chuối. Nhưng không đơn giản như tên gọi, bày cỗ lá cũng có những nguyên tắc nhất định. Người Mường quan niệm ngọn lá và mép lá tượng trưng cho “mường sáng” của người sống, còn phần gốc của chiếc lá tượng trưng cho mường tối của người đã khuất. Khi dọn cỗ cho gia đình ăn, ngọn lá quay vào trong, gốc lá quay ra ngoài so với hướng cửa sổ. Còn khi dọn cỗ cúng thì ngược lại. 

Đồng bào thường thịt lợn, trâu, bò khi làm cỗ lá. Ông Bùi Ngọc Sáu ở Mường Động, Kim Bôi, Hòa Bình, bảo người Mường có đến gần chục món trên mâm cỗ lá: "Dân tộc Mường chúng tôi thịt con lợn ra là bày cỗ lá. Trong cỗ lá đó phải là lá chuối rừng, thịt lợn luộc lên thái lát, mỏng mà to chứ không thái con chì. Lòng luộc bày ở bên trên. Rồi thịt nướng với giấm mẻ. Xương làm giả cầy, còn lại là các món tái và món táp. Có nghĩa là một loại tái nướng, một loại tái nhúng".

 

Trên mâm cỗ lá, bao giờ lòng cũng được xếp lên trên cùng, tiếp đó là tim, gan, dồi, rồi sau đó là thịt nạc, thịt thăn, thịt ba chỉ luộc. Các món nướng được xếp đều hai bên mâm cỗ. Tại sao món lòng lại được xếp trên cùng? Theo TS Bùi Văn Thành, Viện Quản lý giáo dục Dân tộc, người Mường rất trọng lòng. Bất cứ con vật gì lòng cũng được xếp đầu tiên. Sau đó đến phần thịt. 

Ngày trước, những dịp lễ, tết, ma chay, cưới xin, mừng thượng thọ hoặc khi có khách quý, người Mường hay làm cỗ lá. Bao giờ trong mâm cũng có một bát nước chấm, một đĩa muối và hai bát nước canh. Giờ, người Mường bày cỗ đĩa. Nhưng những nguyên tắc bố trí vẫn như cỗ lá.

 

Đang ăn, không được gác đũa ngang bát!

 


Trong mâm cỗ lá, người Mường luôn ưu tiên bày món lòng vị trí trung tâm. Và bạn biết không, đây cũng chính là món đầu tiên được chạm đũa theo phong tục cổ truyền. 

TS Bùi Văn Thành, một người con của dân tộc  Mường ở Hòa Bình, lưu ý những ai làm khách làng Mường: "Ăn thì bao giờ người ta cũng gắp lòng trước và người ta chia đều, ăn cũng phải ăn đều, nếu thấy ngon quá mà gắp hai lần là không được. Lòng là rất quý. Có thể thịt thà anh ăn thoải mái nhưng bộ lòng mỗi người chỉ được một miếng thôi. Phần đó phải do chủ nhà gắp, hoặc người trong nhà gắp cho ta. Cái lòng ấy chính là thể hiện tấm lòng của họ. Họ cho rằng lòng chính là trung tâm của vũ trụ, nó là thứ quý giá".

Tại mâm cỗ, bao giờ người già, người được quý trọng cũng được mời ngồi trên, hướng về phía cửa sổ gần cầu thang nhà Mường, gọi là cửa voóng. Sau đó mới đến người trẻ theo thứ tự. Chủ nhà ngồi bên trong, khách ngồi ngoài phía cửa đi ra. 

 

Ông Bùi Ngọc Sáu, ở Mường Động, Kim Bôi, Hòa Bình nói khi ăn cũng phải ăn đúng thứ tự theo thứ bậc: "Ngồi lại ăn cơm, kính lão đắc thọ là phải gắp lòng. Ăn lòng trước, rồi ăn các món luộc, món tái. Xong là ăn đến món tiết canh, xong ăn rau tàu au, ăn thịt nướng. Cuối cùng là ăn cơm với thịt giả cầy. Người Mường chúng tôi ănphải đúng quy trình, như thế nó mới ngon, mới ngấm được những hương vị của những món ăn. Còn bây giờ các anh, các chị ăn luôn món nướng riềng mẻ khi còn cả mâm là lúc ấy ngán rồi". 

Đặc biệt, khi đang ăn, người Mường không bao giờ gác đũa ngang bát. Với họ, gác đũa nghĩa là dừng, thôi không ăn cơm nữa. 

 

"Gác đũa ngang bát là thôi cơm, cho nên dừng ăn ngồi tâm sự chúng ta gác chéo. Tức là một đầu ăn người ta gác lên bát, một đầu người ta đặt xuống dưới sàn hoặc để xuống dưới mâm. Chứ không được gác ngang. Người Mường đạt độ chuẩn mực rất cao trong ẩm thực cho nên từng động tác ăn uống họ cũng rất chặt chẽ. Ngay động tác ngồi , phụ nữ ngồi xếp chân vào một bên, ăn uống rất nền nã, từ tốn" - ông Thành nói.

 

Chỉ nhìn cách để đũa trong mâm cơm cũng biết được nết ăn, nết ở ý nhị, kín đáo của người Mường. Theo ông Sáu: "Ngồi ăn cơm, 6 người phải 6 cái bát; 3 cái một bên và 6 đôi đũa. 6 đôi đũa phải thả ngang trong mâm. Dân tộc Mường mình mặc váy, khi bê mâm, để đũa dọc thì nó kéo váy ngược. Để ngang thì không bao giờ vướng vào váy, vào quần".

Cho đến tận bây giờ, cho dù ở nhà gác (tức nhà sàn) hay nhà xây chăng nữa, nếp ăn nếp ở ý nhị, kín đáo vẫn thấm sâu trong văn hóa gia đình người Mường. 

 

 

Lâm Thanh/VOV4

Hải Huyền bt bài .1 + 1 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC