Du lịch cộng đồng: bài toàn giảm nghèo bền vững ở Tây Bắc
Thứ sáu, 00:00, 30/12/2016 P bt 2 ảnh P bt 2 ảnh

(VOV) - Cảnh sắc thiên nhiên kỳ vỹ, văn hóa độc đáo là điều hấp dẫn du khách khi đến Tây Bắc. Các địa phương đã chú trọng phát triển du lịch cộng đồng, tạo điều kiện để du khách khám phá kho tàng đặc sắc ấy. Mô hình đang mang đến những kết quả khả quan, mở ra hướng phát triển kinh tế bền vững.

 

Bỡ ngỡ, lo lắng là tâm trạng chung của đa số các hộ dân tộc thiểu số ở Tây Bắc khi bắt đầu làm du lịch. Không lo sao được, bởi bao nhiêu đời nay, bà con chỉ biết tới việc cấy nương cấy ruộng. Được chính quyền và ngành văn hóa vận động tham gia xây dựng bản du lịch cộng đồng, người dân cùng bắt tay học hỏi để làm.

 

Chị Lù Thị Chiện, ở bản Hụm, phường Chiềng An, thành phố Sơn La, cho biết: "Lúc đầu tôi và chị em ở bản rất lo lắng bởi ai cũng biết làm du lịch sẽ khó hơn làm nông nhiều. Sau này, được hướng dẫn cách giao tiếp, giới thiệu, quảng bá những nét văn hóa đặc trưng mà mình sẵn có, nên chúng tôi đã tự tin tham gia làm du lịch".

Bản chìm trong mây. Ảnh: BP

 

Bản Mển, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, là một trong những bản thường được du khách tìm đến mỗi khi thăm Điện Biên. Những năm qua, ngoài sự đầu tư của chính quyền địa phương, nhiều gia đình đã đầu tư kinh phí cải tạo, nâng cấp nhà ở, sản xuất hàng thủ công truyền thống, khôi phục các hoạt động văn hóa văn nghệ, dựng lại một số lễ hội truyền thống để phục vụ khách du lịch.

 

Anh Quàng Văn Thương cho biết: trung bình mỗi tháng, có khoảng 10-15 đoàn đến tham quan. Vào mùa lễ hội, hoặc dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5 thì hầu như ngày nào cũng có khách. Với giá từ 100 nghìn đồng/suất ăn, 50 nghìn đồng/người/tối ngủ, cộng với thu từ hoạt động văn nghệ, mỗi năm bản có doanh thu ổn định từ 150-200 triệu đồng.

"Trước đây, khi chưa xây dựng bản văn hóa du lịch thì bản chúng tôi đường xá, nhà cửa không được sạch sẽ như bây giờ. Từ khi đăng ký xây dựng bản văn hóa du lịch, được đón tiếp nhiều đoàn khách, có thu nhập, bản không còn hộ nào thuộc diện nghèo nữa" - anh Thương nói.

 

Căn nhà được xây dựng để làm du lịch homestay của một gia đình người Tày ở Bắc Hà, Lào Cai. Ảnh: BP


Ngôi nhà của gia đình chị Lường Thị Chung, ở bản Chao Hạ, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ, đã thành địa chỉ quen thuộc của nhiều du khách đến khám phá miền Tây Yên Bái. Đến đây, du khách được sống trong không gian nhà sàn ấm cúng, được tham gia các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ với đồng bào Thái, Dao và một số dân tộc khác; được thưởng thức các món ăn đặc biệt hấp dẫn. Mỗi năm, gia đình chị đón hàng nghìn lượt khách trong và ngoài nước, thu nhập trên 100 triệu đồng.

 

Chị Chung cho biết: "Làm du lịch cộng đồng không khó. Chủ yếu là mình cố gắng giữ gìn các nét văn hóa của dân tộc mình, rồi giới thiệu với du khách. Từ khi làm du lịch cộng đồng thì du khách đến với gia đình mình rất đông. Rất là phấn khởi. Nhờ làm du lịch mà chúng tôi có thêm công ăn việc làm, đỡ vất vả hơn".

Tây Bắc hiện đã có nhiều bản văn hóa – du lịch nổi tiếng mà du khách thuộc tên, như: bản văn hóa Đông Sang, huyện Mộc Châu (Sơn La); thôn văn hóa Pang Cáng, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn (Yên Bái); bản văn hóa Sin Súi Hồ, huyện Phong Thổ (Lai Châu); các bản văn hóa ở Tả Van, Tả Phìn, Bản Hồ (Sa Pa, Lào Cai)…

 

Để giúp bà con làm du lịch chuyên nghiệp, hàng năm, ngành Văn hóa – Thể thao và Du lịch các tỉnh đều tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng giới thiệu, quảng bá văn hóa, ẩm thực của dân tộc; chia sẻ các kinh nghiệm trong quá trình làm du lịch.

 

Theo thống kê, bình quân mỗi năm, các tỉnh Tây Bắc đón gần 5 triệu lượt khách du lịch, tổng doanh thu trên 6.300 tỷ đồng.

 

 

 

Thu Thùy/VOV-Tây Bắc

P bt 2 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC