Những thánh đường bên bờ sông Hậu
Thứ sáu, 00:00, 27/01/2017

(VOV) - An Giang có trên 17.000 người Chăm sinh sống tại các huyện Châu Thành, An phú, Phú Tân và thị xã Tân Châu. Bà con Chăm theo đạo Islam nên hầu hết ở các làng Chăm đều xây dựng thánh đường và tiểu Thánh đường (còn gọi là Surao). Những thánh đường mang sắc thái kiến trúc Trung Đông là điểm lạ mắt với du khách.

 

An Giang có hơn 12 thánh đường và 16 tiểu thánh đường tọa lạc tại 7 làng Chăm, nằm bên bờ sông Hậu.

 

Thánh đường có lối kiến trúc độc đáo và được nhiều người biết đến là Thánh đường Mubarak, tọa lạc tại làng Chăm Châu Giang, thị xã Tân Châu. Thánh đường Mubarak lần đầu tiên xây dựng vào năm 1750, do cộng đồng người Chăm nơi đây đóng góp.

 

Vì Thánh đường Mubarak nằm ngay trục đường chính của thị xã, nên thuận tiện cho nhiều người nước ngoài đến học tập và làm việc tại Việt Nam thời bấy giờ.

 

Thánh đường Mubarak 

 

Năm 1965, thánh đường Mubarak được một kiến trúc sư Hamim người Pakistan gốc Việt Nam thiết kế và xây dựng lại. Cuối năm 1989, thánh đường Mubarak được công nhận là công trình kiến trúc nghệ thuật của người Chăm.

Ông Haji Mohamad Yusop, Giáo cả Thánh đường Mubarak, cho biết: “Để có được Thánh đường này có rất nhiều công sức của người dân địa phương, người góp tiền, người góp sức xây dựng từ những giếng nước, bậc thang , lớp học giáo lý”.

 

Thánh đường Mubarak được xem là thánh đường có lối kiến trúc tiêu biểu của cộng đồng người Chăm Nam bộ. Trên nóc thánh đường có một tháp lớn hai tầng hình bầu dục, dưới chân tháp có hình trăng lưỡi liềm và ngôi sao.

 

Mỗi thánh đường có lối kiến trúc khác nhau, nhưng đều mang  dáng vẻ nguy nga, trang nghiêm với màu chủ đạo là trắng và xanh. Đặc biệt, bên trong thánh đường lúc nào cũng tràn ngập ánh sáng và thoáng mát dù không mở đèn và bật quạt. Hai bên cửa chính của thánh đường Mubarak có 4 vòm hình cung nhọn đầu, mỗi vòm cách nhau 2,4 m chia đều cho mỗi bên.

 

Phụ nữ xả chay ở tiểu thánh đường

 

Với người Chăm, thánh đường là nơi tôn nghiêm, chỉ dành cho nam giới đến hành lễ 5 lần trong ngày. Thánh đường nào cũng có những dãy hành lang dài xung quanh, dành cho phụ nữ sinh hoạt, cầu nguyện vào tháng chay Ramadan và Roya haji.

 

Ngoài Thánh đường Mubarak, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang còn có Thánh đường Azhar (Châu Giang) và Thánh đường  Nia Mah (Châu Phong) được nhiều người biết đến.

 

Thánh Đường Azhar được xây dựng từ năm 1959, là một trong những thánh đường lớn và lâu đời ở An Giang. Năm 2012,  thánh đường Azhar  được trùng tu, mở rộng. Đến tháng 8/2014, thánh đường này chính thức khánh thành. Thánh đường là nơi tổ chức thi xướng kinh Coran vào những ngày lễ lớn, hay tổ chức Maulid (mừng sinh nhật Nabi Mohamad).

 

Em Saphinah đang co lại chỉ 

 

Thăm làng Chăm, không chỉ để ngắm nhìn các thánh đường nguy nga, mà dọc đường làng là những ngôi sàn cổ kính mang nét văn hóa của người Chăm Nam bộ. An Giang còn nhiều ngôi nhà sàn có tuổi đời hàng trăm năm.

 

Nhà người Chăm thường kết cấu hình chữ Y, sàn nhà được làm bằng gỗ đen hoặc cẩm lai, nóc nhà lợp ngói. Cột nhà chính được xây dựng kiên cố. Gian nhà trước là nơi tiếp đón khách với nhiều cửa sổ.

 

Chị Salyma, ở ấp Hà Bao, xã Đa Phước, huyện An Phú, nhắn nhủ:  “Khách đến chơi nhà của người Chăm thì không được ngồi bàn. Hầu hết nhà nào cũng trải chiếu ngồi dưới đất để tiếp khách. Người Chăm luôn hiếu khách, khi khách đến nhà chơi đều được thưởng thức 2-3 loại bánh truyền thống và bình trà ấm. Với người Chăm, việc khách ở xa đến thăm là điều rất quý, mang lại nhiều may mắn cho gia chủ”. 

 

Các cô gái Chăm với chiếc khăn meon trên đầu thật dịu dàng, kiêu sa bên khung dệt. Đến thăm làng Chăm trong những ngày xuân, bạn sẽ được tiếp đãi những món ăn truyền thống với hương vị khó quên.

 

 

Hanipha/VOV-TP.HCM

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC