Đất nước ta có hai ngã Ba biên giới mà bất kỳ ai cũng đều ao ước một lần đặt chân đến. Đó là ngã ba biên giới Đông Dương ở xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi tỉnh Kon Tum tiếp giáp với Cam-pua-chia và Lào; Ngã Ba biên giới A Pa Chải ở xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên tiếp giáp với Lào và Trung Quốc. Ngã Ba biên giới A Pa Chải luôn là những địa điểm check-in đầy tự hào và thiêng liêng đối với mọi du khách.
Từ trung tâm xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) lên đến trạm dừng chân của Đồn Biên phòng A Pa Chải khoảng 14 cây số. Từ đây để lên đước đến Ngã Ba biên giới giữa Việt Nam-Lào và Trung Quốc, du khách phải đi bộ hoặc đi xe máy thêm 3,6 km nữa. Con đường được đổ bê tông rộng khoảng 1 mét, dốc quanh co giữa cánh rừng nguyên sinh, với khung cảnh rất đẹp.
Hết đoạn đường đi được xe máy, du khách phải đi bộ lên mốc dài 940 m làm bằng đá granit rộng 1,5 mét, gồm 29 chiếu nghỉ và 541 bậc, đi hết khoảng thời gian từ 15 đến 20 phút. Hai bên đường lên xuống đều có hàng rào lan can để giúp du khách đi lại dễ dàng.
Đây là mốc giao điểm đường biên giới giữa ba nước Việt Nam-Lào-Trung Quốc, được phân giới cắm mốc vào năm 2005 theo Nghị định thư về phân giới cắm mốc giữa ba nước. Cột mốc Ngã Ba biên giới A Pa Chải được đặt trên ngọn núi Khoan La San, có độ cao 1.866,23 m so với mực nước biển, toạ độ 22°24'02,295" vĩ độ Bắc, 102°08'38,109" kinh độ Đông.
Mốc giao điểm đường biên giới giữa ba nước, là mốc đơn cỡ đại, làm bằng đá hoa cương, có 3 mặt gắn Quốc huy của ba nước, dài 2 m được chia làm 3 phần: Đế mốc, thân mốc và đỉnh mốc.
Lần đầu tiên đến cột mốc Ngã ba biên giới A Pa Chải, nhà báo Nguyễn Sỹ Hào cảm nhận: “ Là một nhà báo, tôi đã đi rất nhiều cột mốc biên giới như đường biên giới Việt-Trung; Việt- Lào; Việt-Campuchia. Với A Pa Chải - cực Tây của Tổ quốc, tôi rất đỗi tự hào,.Cảm giác có một cái gì đó rất hùng vĩ, rất thiêng liêng với một cột mốc giáp ranh giữa 3 nước Việt-Lào-Trung”.
Viết bình luận