Cách Thủ đô Hà Nội chừng 200km, dọc theo QL2, mất khoảng 4 giờ xe chạy là du khách đã đến với động Tiên thuộc huyện Hàm Yên (tỉnh Tuyên Quang). Theo đồng bào nơi đây, động Tiên được biết đến là một quần thể bao gồm rất nhiều hang động như: Động Thiên đình, động Đàn đá, động Thiên cung, động Tam cung hay là động Tôm… tại xã Yên Phú. Đến đây, du khách sẽ được thưởng thức vẻ hoang sơ, huyền ảo được tạo nên bởi những nhú đá tuyệt đẹp mà không phải nơi nào cũng có.
Theo anh Cù Văn Nam, cán bộ Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Hàm Yên tỉnh Tuyên Quang: tất cả các hang động tại đây được xếp thành hình vòng cung tạo thành một quần thể danh lam, thắng cảnh đặc sắc. Nhưng thú vị hơn cả có lẽ chính là động Âm phủ cùng hang Tôm. Anh Nam vừa đi vừa hướng dẫn: "Động âm phủ thì ở dưới sau đó thì chúng ta lên động Thiên cung, rồi chúng ta ra động Tam cung rồi động Thạch sanh. Sau động Thạch sanh thì chúng ta đi một vòng sang động hang Tôm. Trong hang tôm thì nước trong núi chảy ra rất mát và rất nhiều tôm, cá ở đó".
Huyện Lâm Bình cũng có nhiều hang động tuyệt đẹp. Ông Cao Văn Minh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lâm Bình chia sẻ: địa phương đang sở hữu một nguồn tài nguyên du lịch vô cùng hấp dẫn, bởi nơi đây từng là một trong những “cái nôi” của người Việt cổ, được chứng minh qua các di chỉ khảo cổ học cùng các hiện vật được tìm thấy như: các bộ hài cốt của người Việt cổ tại hang Phia Vài, Phia Muôn cùng nhiều lưỡi rìu, dao, mũi tên được làm bằng đá, bằng đồng: "Hang Phia Vài thì theo các nhà khảo cổ nghiên cứu thì đã có người Việt cổ sinh sống cách đây chừng 12.000 năm. Ngày xưa thì tất cả các nền văn minh đều gần các con sông để có nước sinh hoạt, sản xuất. Tiếp ngược lên nữa thì sẽ đến động Song Long cũng rất nhiều nhũ đá đẹp, nơi này giáp Bắc Mê (Hà Giang)"- Ông Minh thông tin.
Một số hang động mới được phát hiện cũng được đưa vào khai thác phục vụ du lịch và một trong số đó là hang Khuổi Pín, với những nhũ đá rất đẹp, trong lòng hang có suối, thu hút du khách đến trải nghiệm và khám phá.
Anh Chẩu Thanh Ngà ở xã Thượng Lâm từng dẫn nhiều đoàn khách du lịch tham quan hang Khuổi Pín cho biết: Hang này có 3 khoang cấu trúc hình mai rùa, cùng với hàng trăm ngách nhỏ. Vào càng sâu, hang càng rộng và cao, rất thoáng đãng. Hang Khuổi Pín còn được đồng bào nơi đây gọi là Hang gió, bởi trên đỉnh non cao này, gió thổi suốt ngày đêm, hút vào miệng hang tạo thành những âm thanh nghe vô cùng du dương. "Hang Khuổi Pín là một trong những hang động đẹp vì nó còn giữ được vẻ nguyên sơ chưa có sự tác động của con người. Hang có những đặc trưng riêng với một hệ thống cột đá, rèm đá, măng đá, nhũ đá rất là lung linh, đẹp mắt. Vào hang sẽ có hàng trăm hàng ngàn hình thù như vậy"- Anh Ngà chia sẻ.
Hang Khuổi Pín cách mặt nước hồ thủy điện Tuyên Quang khoảng 2,5 km, thuộc khu vực rừng phòng hộ của huyện Lâm Bình quản lý. Xung quanh vùng đệm của hang là rừng cây nguyên sinh, không khí trong lành mát mẻ, phong cảnh hữu tình. Với những vẻ đẹp tiềm ẩn, hang Khuổi Pín hứa hẹn sẽ là điểm đến lý tưởng cho du khách thích khám phá. Đến đây, du khách sẽ được tận hưởng cảm giác thư thái đến bất ngờ.
Phát huy hơn nữa lợi thế này, Tuyên Quang đang triển khai nhiều biện pháp giúp khách du lịch gắn việc tham quan hang động với tìm hiểu bản sắc văn hóa của bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn, mà nổi bật nhất là văn hóa ẩm thực với nhiều món ăn đặc sắc của các dân tộc nơi đây.
Viết bình luận