(VOV4) - Cách trung tâm huyện Chiêm Hóa khoảng 25 cây số là địa phận xã Trung Hà, nổi tiếng với khu du lịch sinh thái thác Bản Ba.
Thác có chiều dài khoảng 3 km, được tạo bởi 3 tầng là Tát Củm, Tát Cao và Tát Gió, tạo nên cảnh quan hùng vỹ. Xung quanh thác là thảm thực vật phong phú.
Thác Bản Ba
Cách đây 8 năm, thác Bản Ba đã chính thức được xếp hạng di tích Quốc gia và được giao cho công ty TNHH Sông Gâm quản lý, khai thác. Công ty đầu tư các hạng mục và phối hợp với người dân địa phương xây dựng mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng.
Ông Trần Văn Kết, Giám đốc công ty Sông Gâm, cho biết: "Ở đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số Mông, Tày, Dao, có nhiều nét văn hóa dân tộc đặc sắc, thu hút khách du lịch đến trải nghiệm, hiểu biết thêm về văn hóa truyền thống, ẩm thực và đời sống của bà con. Khách nước ngoài, đặc biệt là khách Pháp đến đây và rất thích. Họ thích nhất là đi câu cá, bắt ốc, gặt lúa và cùng sinh hoạt với bà con".
Cô gáy Tày duyên dáng với cây đàn tính. Ảnh: chiemhoa.gov.vn
Gia đình ông Ma Đức Thạch, người Tày, ở thôn Bản Ba 1, xã Trung Hà, từ khi tham gia mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, có nhiều đổi thay. Trước đây, gia đình ông một năm chỉ làm hai vụ lúa, đời sống khá bấp bênh. Từ khi tham gia mô hình nhà trọ nghỉ dưỡng và nấu các món ăn dân tộc phục vụ khách du lịch, kinh tế gia đình đã khá lên nhiều:
"Khách đến đây thì mình giới thiệu cho họ về bản sắc dân tộc mình, về ăn mặc như thế nào, về nếp sống của mình, về hát then hát cọi. Có du khách thu lại những câu hát then. Du khách đến sinh hoạt với mình".
Ông Seo Văn Sử, Phó chủ tịch UBND xã Trung Hà, đánh giá, mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tuy mới mẻ, nhưng nếu có chiến lược quảng bá tốt thì đây sẽ là thế mạnh phát triển kinh tế của địa phương.
Việt Phú/VOV4
Viết bình luận