Tri thức chăm sóc sức khỏe của người Mông
Thứ hai, 14:46, 27/12/2021 HH BTCT HH BTCT
VOV4.VN - Trong quá trình sinh tồn và phát triển, người Mông đã tích lũy cho mình một kho tri thức quý trong việc sử dụng cây cỏ để chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe. Đó không chỉ là thành tố làm nên văn hóa tộc người, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong thực tiễn cuộc sống.

Rau rừng vừa là thức ăn, vừa là thuốc
Để thích ứng với môi trường sống của mình, bên cạnh việc sản xuất cây lương thực, người Mông rất chú ý đến việc khai thác các nguồn lợi có sẵn trong tự nhiên để làm thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày. 

Người Mông dùng nụ hoa tam thất hãm nước uống. Ảnh: zingnews.vn

PGS.TS Đặng Thị Hoa – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho biết: trong vô vàn nguồn lợi từ tự nhiên ấy, họ đã phát hiện ra những loại thực phẩm có ích cho sức khỏe. “Chẳng hạn họ có những nhóm rau có vị đắng, có tác dụng cho hệ tiêu hóa rất tốt. Hay một số cây khác như tăng ki, pa ca, zàm zua, xanh không, păng cô,… là rau nhưng lại bổ giúp giữ được các dinh dưỡng trong món ăn. Hoặc rau tầm bốp, hiện ở Hà Nội là đặc sản. Với người Mông đây là món rau ăn hàng ngày. Nó giúp hệ tiêu hóa tăng cường sức đề kháng, có thể tiêu bớt mỡ”.
Canh gà – thức ăn bổ dưỡng
Không chỉ tìm ra được những loại rau rừng có lợi cho sức khỏe của mình, người Mông còn có những cách chế biến, kết hợp các nguyên liệu trở thành những món ăn tăng cường sức khỏe cho mình. Hầu như đối với người Mông ở Hòa Bình, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái… món canh gà là món ăn tẩm bổ rất tốt dành cho phụ nữ sau sinh, cho người ốm, người già. Và cách nấu của họ cũng vô cùng đơn giản.
Anh Giàng A Hải, người Mông ở Sín Chéng, Si Ma Cai, Lào Cai chia sẻ: thường bà con nấu gà với gừng, với thảo quả, tiêu, hoặc tam thất. “Mang thai, người mẹ phải được ăn gà để bồi bổ. Nhà không có cũng phải đi vay mượn. Nấu riêng cho người vợ ăn phần thịt. Có hạt tiêu nấu với gà để người con được khỏe mạnh khi sinh ra”. – Anh Hải cho hay.
Cây tam thất với người Mông cũng là một dược liệu quý. Họ dùng để tần thịt gà, thịt lợn tẩm bổ cho người già, phụ nữ sau sinh, hay người mới ốm dậy. Thậm chí, họ còn cạo bột tam thất để đắp vết thương mau lành. Hoa tam thất để hãm nước uống. Ngoài ra, ấu tẩu cũng là một nguyên liệu được người Mông sử dụng nấu cháo, trở thành đặc sản. Ông Sềnh bảo, ấu tẩu ăn sống là độc dược, nhưng khi chế biến lên nó lại là món ăn ngon. 
Ông Thào Sềnh ở Bản Già, Bắc Hà, Lào Cai cho biết: Muốn ăn nó phải cho vào nồi bung đến khi nào nó không còn he nữa, có thể dùng được. Người ta cho thêm thịt gà, thịt lợn bung lên ăn cùng. Họ không bao giờ ăn sống, cũng không bao giờ uống rượu ấu tẩu ngâm củ tươi. Người nhỡ uống nhầm một vài ngụm rượu ấu tẩu là mọi người phải đè ông ấy ra đánh ông ấy một trận, toát mồ hôi hết ra nó mới tan được không thì khó cứu chữa. Có thể dùng củ ấu tẩu ấy ngâm rượu, xoa bóp vết thương để tan bầm máu đông.
Sống nơi khí hậu lạnh, người Mông thường dùng các loại gia vị tính nóng để làm ấm cơ thể. Họ dùng khá nhiều gia vị như xả, ớt, rau thơm,… để tăng thêm hương vị của món ăn, đồng thời cũng là cách phòng chống những bệnh có thể gây ra do thức ăn không đảm bảo. Ví như thảo quả.

Chị Hạng Thị Sa ở Tả Phìn, Sa Pa, Lào Cai chia sẻ: “Xưa kia cây mọc dại trong rừng, nay bà con đã biết trồng thảo quả để phát triển kinh tế. Mầm cây có thể làm món rau, quả có thể làm gia vị cho vào nồi canh hầm gà bồi bổ cho sản phụ hay người mới ốm dậy. Đi rừng là phải dắt vài quả thảo quả để phòng thân”.
Nhận diện thuốc bằng các giác quan
Sống nơi núi rừng có hệ thực vật phong phú với nhiều loài thuốc quý, người Mông có kinh nghiệm phát hiện ra tính năng của từng loài, để từ đó sáng tạo ra những bài thuốc chăm sóc sức khỏe. 
Trong hàng trăm loài cây mọc hoang dại trong rừng, để nhận diện ra cây thuốc, họ đã huy động mọi giác quan cùng những kinh nghiệm truyền lại của cha ông. Từ việc quan sát, ngửi, sờ, nếm thử vị cây, lá người Mông có thể biết được loại nào ăn được, loại nào không, loại nào có thể sử dụng làm thuốc. Đặc biệt, họ quan sát thiên nhiên, dựa vào thiên nhiên để ứng dụng cho cuộc sống của mình. 

Ví dụ: trong quá trình làm thuốc, thày thuốc là ông Sùng A Lồ ở xã Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình quan sát, tìm hiểu và  thấy một số loại thú to biết ăn loại cây nào để chữa bệnh và ông cũng lấy cây đó về thử. Cứ như thế, kinh nghiệm của họ được tích lũy qua nhiều đời, qua nhiều thế hệ. Và trở thành những bài thuốc có giá trị. 
Trước đây, khi điều kiện kinh tế còn khó khăn, chưa có điều kiện tiếp cận với dịch vụ y tế hiện đại, những kinh nghiệm này có giá trị rất lớn đối với cuộc sống của người Mông, giúp bà con phần nào giảm gánh nặng bệnh tật. Nhiều bài thuốc, cây thuốc cho tới nay vẫn còn nguyên giá trị.

Đỗ Quyên/VOV4

HH BTCT

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC